Có một con đường mòn trên biển Đông – Nguyên Ngọc

Thứ năm - 18/07/2019 05:03
Chúng ta đang đi tìm một con đường. Con đường ư? Trên trái đất này ai đếm hết được những con đường. Hàng ức, hàng triệu, hàng tỉ. Một nhà văn lớn, cũng là nhà tư tưởng lớn có nói: “Người đi trên mặt đất thì thành đường”.

 

CÓ MỘT CON ĐƯỜNG MÒN TRÊN BIỂN ĐÔNG – NGUYÊN NGỌC

Rất đúng! Nhưng còn người đi trên biển, trên mặt nước xanh phẳng lì đang trải ra trước mắt kia? Biển không để lại dấu vết, không để lại đường mòn. Biển xóa tất cả. Chỉ còn lại mặt nước mênh mông, phẳng lì, bí mật, câm lặng. Mãi mãi câm lặng.
Câu chuyện của chúng ta hôm nay là câu chuyện về một con đường như thế, ngày xưa hoàn toàn câm lặng, hôm nay vẫn còn câm lặng, và rồi chắc sẽ mãi mãi ngày càng chìm sâu vào câm lặng, đến vĩnh hằng, ngày càng chìm sâu vào phẳng lì của biển và phẳng lì của thời gian nếu chúng ta không đánh thức nó dậy, không cố cùng nhau lần tìm ra nó trong thăm thẳm của biển, của thời gian và của ký ức biết ơn.
Con đường ấy là như vậy đó, con đường bí mật xuyên Biển Đông vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam thời chiến tranh chống Mỹ.
Chúng ta bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm của mình giữa cuộc sống hôm nay bộn bề, tấp nập, ngổn ngang... Và cũng phải nói trước điều này: những cái mốc để chúng ta có thể bấu víu vào đấy mà đi tìm, lần ra sự tích cũ chẳng còn bao nhiêu cả. Tư liệu, chứng cứ cũ hầu như chẳng còn gì đáng kể. Chúng đã chìm sâu trong câm lặng của mặt nước không biết nói.
Tài liệu lưu trữ trong các kho bảo mật hoặc đã mục nát, hoặc đã thất lạc gần hết. Những chiếc tàu xưa chẳng còn. Nghe nói ở đâu đó trong một vàm rạch hoang vắng tận cuối mũi Cà Mau còn xác một con tàu, may mà chưa bị bán làm sắt vụn, nhưng cũng đang tan thành gỉ nát vì thời gian và nước mặn...
Còn những con người? Người đã hi sinh, mãi mãi vùi thân trong biển sâu. Người đã qua đời sau chiến tranh vì già yếu, vì những di chứng của chiến tranh. Những người còn lại thì đang tản mác khắp đất nước, trong những xóm làng, những kênh rạch hẻo lánh đâu đó. Họ vốn vô danh. Hôm qua vô danh vì sự khắc nghiệt của nhiệm vụ. Hôm nay vô danh trong ồn ào cuộc sống đua chen.
Ta đi tìm chính những con người ấy.
Là ai? Ta chưa biết.
Trong tay chúng ta lúc này chỉ có mỗi một tài liệu nhỏ: tập phác thảo lịch sử Lữ đoàn Hải quân 125, chắc là được viết khá vội và quả thật còn khá thô sơ.
Đây là chứng cứ đầu tiên về thiên huyền thoại một thời. Dấu vết đầu tiên về một huyền thoại có thật, được ghi lại trên những trang giấy ố vàng. Một tập sách khổ rộng, không dày, giấy xấu, in roneo. Có trang còn chen cả chữ viết tay, mực tím đã phai mờ: hẳn có ai đó đã sửa chữa, bổ sung. Ngay từ những trang đầu tiên ta gặp một con số: năm 1959, và một tên người: đồng chí Võ Bẩm.
Năm 1959: đó là một con số không thể quên. Một cái mốc lịch sử: miền Nam đứng dậy. Và cuộc chiến tranh bắt đầu. Vì sự sống còn của dân tộc. Và miền Nam gọi.
Có ai ngày ấy không nghe thấy tiếng gọi đó, của máu, của nước mắt, của ý chí tự do, độc lập và thống nhất. Của Chợ Được, của Vĩnh Trinh, của Hướng Điền, của Trà Bồng, của Bến Tre...
Miền Nam gọi súng. Miền Nam đòi súng.
Thiên ký sự về việc hình thành và phát triển đoàn tàu không số, những con tàu bí mật vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất.
Con đường mòn trên Biển Đông mà các chiến sĩ Hải Quân cùng Nhân dân dày công gầy dựng là con đường đầy gian nan và nguy hiểm, nơi ghi dấu biết bao tấm gương chiến đấu quả cảm, bao hy sinh thầm lặng, bao cảnh đời éo le nghiệt ngã, và cả những mối tình đẹp vượt qua khói lửa chiến tranh.
Tập sách gồm những nội dung chính như sau:

               Còn không dấu vết một con đường?

               Mở đường

               Đi về hướng sao Bắc Đẩu

              Tàu không số

              Vũng Rô

              Những tờ phiếu rời
              Biển và bờ
             Thay hình đổi dạng
Tác phẩm nguyên là kịch bản phim tài liệu nói về con đường bí mật vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam xuyên Biển Đông trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Trên cơ sở kịch bản, Điện ảnh Quân đội đã xây dựng thành bộ phim Đường mòn trên Biển Đông được giải Bông sen Vàng tại liên hoan phim lần 11. Và tác giả đã chu tỉnh lại thành thiên ký sự này. Ở thiên ký sự bạn đang có trong tay đây, tác giả không có ý định viết về lịch sử “chính thống” của con đường nổi tiếng đó. Ở đây người viết chủ ý đi vào những số phận con người, đặc biệt là những con người lẩn khuất vô danh, trên một trong những mặt trận kỳ lạ nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Chủ ý đó xuất phát từ quan niệm chính: những con người vô danh, vô số, âm thầm, mãi mãi không thể nào biết hết, nói hết, không sử dụng sách nào ghi lại nhắc đến nó, chính họ là cái nền tảng mênh mông vô tận và vô địch làm nên sức mạnh thần kỳ đưa đến thắng lợi vĩ đại của dân tộc vừa qua.
Nằm trong tủ sách về biển đảo Việt Nam do NXB Trẻ phát hành,cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc về một con đường mòn vĩ đại không kém gì đường Hồ Chí Minh trên dãy đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Đó là đường mòn trên Biển Đông vận chuyển vũ khí, lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Sách hiện đang được lưu giữ và phục vụ tại Thư viện Bình Phước. Xin trân trọng giới thiệu.

Hằng Nga – Phòng NV&XDPT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động
2.jpg
3.jpg
4.jpg
IMG-0105.jpg
img-2794.jpg
Liên hệ quảng cáo
Thông kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay11,745
  • Tháng hiện tại81,024
  • Tổng lượt truy cập9,868,308
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây