Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn (2011 – 2015): Những kết quả bước đầu đạt được

Thứ ba - 03/05/2016 21:37

Giai đoạn (2011 – 2015), hoạt động thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trung ương và địa phương, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ những người làm công tác thư viện, Thư viện tỉnh BR-VT đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL) và UBND tỉnh BR-VT giao. Giai đoạn 2011 - 2015, Thư viện tỉnh đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng, để lại dấu ấn mạnh mẽ đối với hệ thống thư viện công cộng, tạo sự lan toả sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân bằng các hoạt động tiêu biểu và nổi bật. Đặc biệt là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện và Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VT giai đoạn (2011 – 2015) với những kết quả bước đầu tích cực và đầy khích lệ.

1. Kết quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện và Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VT giai đoạn (2011 – 2015):

1.1 Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện của tỉnh BR-VT giai đoạn (2011 – 2015) đã cung cấp cho một số thư viện cấp xã trên địa bàn tỉnh 4.653 tên sách, 46.163 bản sách, trị giá 1.061 triệu đồng, góp phần đáp ứng một phần nhu cầu đọc của người dân, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là những xã nông thôn mới. Số liệu thống kê Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện của tỉnh BR-VT giai đoạn (2011 – 2015) như sau:

1.2 Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VT giai đoạn (2011 – 2015) đã triển khai thực hiện các tiểu dự án:

+ Dự án cung cấp Quỹ sách địa phương và Luân chuyển lưu động: Là tiểu dự án có tầm quan trọng rất lớn để nuôi dưỡng văn hóa đọc ở hệ thống thư viện cơ sở, đặc biệt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ, vùng đặc biệt khó khăn. Không có nguồn sách này của dự án này, hệ thống thư viện cơ sở (Phòng đọc sách ở các Trung tâm Văn hóa, Thể thao & Học tập cộng đồng, Tủ sách Khu dân cư…) sẽ không thể đáp ứng nhu cầu đọc của người dân…

+ Dự án cung cấp sách cho 06 xã nông thôn mới (Hòa Long, Quảng Thành, Long Tân, Bông Trang, Hắc Dịch, An Ngãi);

    + Dự án số hóa tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm;

    + Trang bị máy scan tài liệu bán tự động;

    + Trang thiết bị cho Thư viện huyện Đất Đỏ;

+ Triển khai Dự án Thư viện điện tử;

+ Lớp tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ xã, phường, thị trấn  và thư viện cấp xã theo Đề án Trang bị sách cho cơ sở (xã, phường, thị trấn) của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện, Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VT trong giai đoạn (2011 – 2015) đã tích cực phát triển hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh BR-VT theo những số liệu thống kê dưới đây:

2. Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VT giai đoạn (2011 – 2015):

- Các tiểu dự án thuộc Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VT giai đoạn (2011 – 2015) như: Dự án Quỹ sách địa phương và luân chuyển lưu động, Dự án Số hoá tài liệu, Dự án Đào tạo cán bộ thư viện… đã phát huy hiệu quả đối với hoạt động thư viện trên địa bàn tỉnh BR-VT.

- Ổn định nguồn tài liệu truyền thống, xây dựng và hình thành nguồn dữ liệu số ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước hiện đại hóa hoạt động thư viện và tạo tiền đề đưa Thư viện tỉnh BR-VT phát triển thành một thư viện điện tử hiện đại. 

- Hoạt động phục vụ bạn đọc đã chuyển dần từ truyền thống sang hiện đại. Ổn định loại hình phục vụ bạn đọc truyền thống; phục vụ tại chỗ kết hợp phục vụ luân chuyển và lưu động; đẩy mạnh hình thức phục vụ bạn đọc thông qua website, website thư viện số với các phần mềm đọc sách điện tử. Định hướng phát triển mô hình “thư viện lai”, phục vụ song hành cả hai mô hình thư viện truyền thống và hiện đại. Vì vậy, đã phát huy hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của mọi đối tượng bạn đọc trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT) .

- Công tác thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương, tuyên truyền quảng bá hoạt động thư viện đến với nhân dân đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

3. Những kinh nghiệm và một số vấn đề đặt ra:

Với kết quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện và Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VT giai đoạn (2011 – 2015), chúng tôi nhận thấy, để xây dựng ngành Thư viện tỉnh BR-VT tiên tiến, hiện đại, hội nhập với hệ thống thư viện trong nước, khu vực và quốc tế cần tiếp tục đầu tư, thực hiện tự động hóa, hiện đại hóa hoạt động thư viện; đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT trong hệ thống thư viện cơ sở. Không ngừng hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng thư viện cấp huyện và thiết chế tổ chức thư viện cấp huyện; ổn định và nâng cao chất lượng hoạt động thư viện cơ sở (thư viện cấp xã, các loại hình thư viện khác trên các địa bàn dân cư, khu công nghiệp, nông – lâm trường, đơn vị lực lượng vũ trang, trại giam, cơ sở giáo dục…). Khuyến khích hỗ trợ phát triển phòng đọc sách, tủ sách khu dân cư, thư viện tư nhân, thư viện gia đình có phục vụ cộng đồng. Tăng cường công tác luân chuyển, tài trợ sách báo cho hệ thống thư viện cơ sở.

Để làm được điều đó, nhiệm vụ đặt ra là phải ổn định bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng của đội ngũ những người làm công tác thư viện theo xu thế thời đại. Hàng năm, tổ chức từ 2-3 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho họ. Hoàn thành việc chuyển đổi thiết chế tổ chức thư viện cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện đối với 03 thư viện (Bà Rịa, Tân Thành, Xuyên Mộc), tạo sự đồng bộ, thống nhất và có điều kiện để phát triển ổn định. Hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho thư viện cấp huyện, cấp xã và từng bước tin học hoá hoạt động thư viện cấp xã. Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi hoạt động thư viện truyền thống sang hiện đại (thư viện điện tử) đối với Thư viện tỉnh và 4/8 thư viện cấp huyện trong toàn tỉnh (Thư viện TP.Vũng Tàu, Bà Rịa, Châu Đức, Long Điền).

Ứng dụng CNTT để phát triển thư viện điện tử tại Thư viện tỉnh BR-VT. Số hoá 40% tài liệu, trong đó số hóa 100% tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, các công trình nghiên cứu khoa học. Bổ sung các loại hình tài liệu (Giấy, tài liệu điện tử…); tập trung nâng cao tỷ lệ nguồn tài liệu số nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tìm kiếm và khai thác thông tin của người dân. Tiếp tục xây dựng kho sách luân chuyển và lưu động, Quỹ sách tài trợ của địa phương, bổ sung mỗi năm từ 15.000 – 25.000 bản sách để luân chuyển và tài trợ cho hệ thống thư viện cơ sở trong toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác phục vụ bạn đọc trực tuyến thông qua các phần mềm chuyên dụng giúp người đọc có thể tra cứu, tìm kiếm thông tin trên các thiết bị di động hiện đại. Phối hợp với các Sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm giới thiệu sách báo chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, kinh tế nổi bật của đất nước và BR-VT trong giai đoạn 2016 – 2020.

Các chỉ tiêu cơ bản của Thư viện tỉnh BR-VT giai đoạn (2016 – 2020):

 

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đối với hoạt động thư viện từ nay đến năm 2020, Thư viện tỉnh BR-VT kiến nghị Bộ VHTTDL trình Quốc hội thông qua Luật Thư viện và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Thư viện số trong toàn quốc. Xem xét thay đổi Thông tư số 67/2006/TT-BVHTT, ngày 10/08/2006 của Bộ Văn hóa Thông tin (VHTT) về xếp hạng thư viện vì việc phân hạng thư hiện nay thực chất là phân hạng theo địa giới hành chính, chưa phù hợp với thực tế. Xem xét và sửa đổi kịp thời một số điều khoản chưa phù hợp tại Thông tư Liên tịch số 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 19/05/2015 đối với viên chức làm công tác thư viện. Cụ thể là các quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng (trình độ Cao đẳng xếp vào hạng của Trung cấp) trong khi các ngành, các lĩnh vực khác thì vẫn có ngạch riêng cho những người có trình độ Cao đẳng. Ngoài ra, chế độ thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với các chức danh không được đào tạo chuyên ngành Thư viện thì không được quy định như ngạch Hành chính, Kế toán, CNTT…

Đế nghị UBND tỉnh BR-VT phê duyệt các tiểu dự án thuộc Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VT như: Dự án Thư viện điện tử; Dự án số hoá tài liệu quý hiếm, công trình nghiên cứu khoa học; Dự án xây dựng kho sách luân chuyển và Quỹ sách tài trợ của địa phương hỗ trợ cho hệ thống thư viện cơ sở trên địa bàn tỉnh; Dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thư viện… Để đạt được mục tiêu xây dựng và chuyển hướng Thư viện tỉnh BR-VT thành một thư viện điện tử hiện đại của tỉnh bắt đầu từ năm 2016 theo chủ trương của UBND tỉnh, trước hết cần phải có chiến lược đầu tư Dự án Thư viện Điện tử và phân bổ kinh phí đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các hạng mục cần thiết cho một thư viện điện tử như hệ thống máy móc, trang thiết bị tin học hiện đại, các phần mềm chuyên dụng, đầu tư kinh phí bổ sung nguồn lực tài liệu điện tử, tài liệu số…

BR-VT là địa phương đầu tiên trong cả nước đã xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển ngành Thư viện theo Quyết định số 10/2006 của Bộ VHTT. Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện, Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VT giai đoạn (2011 – 2015) với những bước đi tích cực đã tạo những điều kiện, động lực phát triển mới, đánh dấu sự chuyển mình vươn lên của hoạt động Thư viện tỉnh BR-VT trong xu thế hội nhập và phát triển. Một trong những vấn đề quan trọng, đó là sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng hướng của Đảng bộ và chính quyền địa phương về hoạt động thư viện. Trong 5 năm (2011 – 2015), tổng số vốn ngân sách đã bố trí 7.578, 200 triệu đồng (Số kinh phí thực hiện tương ứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra là: 7.565,144 triệu đồng), bao gồm nhiều hạng mục trong đề án như:

* Dự án đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng kỹ thuật thư viện;

* Dự án hiện đại hóa hệ thống thư viện cơ sở;

* Dự án xây dựng kho sách luân chuyển và lưu động. Quỹ sách tài trợ của địa phương. Dự án xây dựng tủ sách công nhân các  khu công nghiệp;

* Dự án sưu tầm, khai thác vốn tài liệu địa chí BR-VT, tài liệu quý hiếm;

* Dự án số hóa tài liệu địa chí BR-VT, tài liệu quý hiếm, các công trình nghiên cứu khoa học;

* Dự án trang bị máy Scan tài liệu bán tự động;

* Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thư  viện...

Có thể nói, Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VT là cơ sở pháp lý và khoa học để UBND tỉnh có kế hoạch đầu tư đạt hiệu quả cho hệ thống thư viện, tạo ra sự phát triển cân đối hài hòa trong hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh, phát triển sự nghiệp thư viện một cách tiên tiến, hiện đại, hội nhập với thư viện trong nước, khu vực  và thế giới. Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong lĩnh vực thư viện, Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VTđã có những tác động tích cực đến nhận thức và sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của lãnh đạo các ngành, địa phương cho hoạt động thư viện, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống thư viện tổ chức hoạt động có hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa – xã hội của địa phương./.

                                                                                                  Huỳnh Tới

                                                                Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động
2.jpg
3.jpg
4.jpg
IMG-0105.jpg
img-2794.jpg
Liên hệ quảng cáo
Thông kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay6,788
  • Tháng hiện tại80,163
  • Tổng lượt truy cập9,425,659
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây