Thư viện công cộng cấp cơ sở - Nét khởi sắc và những vấn đề cần quan tâm

Thứ năm - 12/02/2015 20:16
Chúng tôi đã có nhiều dịp về với cơ sở để tìm hiểu hoạt động, bắt nắm những khó khăn, vướng mắc và cũng là cơ hội để trao đổi, lắng nghe, ghi nhận tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ thư viện xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Xin được phác thảo vài nét chấm phá về bức tranh tổng thể hoạt động thư viện công cộng cấp cơ sở với nhiều cung bậc cảm xúc khó tả.

Những khởi sắc đáng mừng:         

Đáng mừng vì trong tổng số 82 xã, phường, thị trấn của tỉnh hiện có 78 thư viện cấp xã, 10 phòng đọc sách khu dân cư ở huyện Côn Đảo đã và đang hoạt động phục vụ nhu cầu đọc và đánh thức, khơi dậy văn hoá đọc cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Mừng vì nhiều cơ sở khi chúng tôi đến có Phó Chủ tịch cấp xã đón tiếp, làm việc cởi mở, thẳng thắn, nghiêm túc. Đến thị trấn Bà Tô, huyện Xuyên Mộc ngay đầu giờ làm việc buổi chiều, vậy mà đồng chí Chủ tịch Uỷ ban thị trấn đã ngồi chờ để được tiếp, làm việc với đoàn từ lâu. Đi, nhìn, nghe và suy ngẫm, cho tôi rút ra nhận xét, rằng: Không ít nơi lãnh đạo cơ sở đã có sự quan tâm, chăm lo đến thư viện. Và ở đâu Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân cấp xã có sự quan tâm thì ở đó hiệu quả hoạt động của thư viện tỷ lệ thuận với sự quan tâm, chăm lo đó. Tôi chợt nghĩ: Phạm trù “Nguyên nhân – Kết quả” được học trong triết học Mác – Lênin, vẫn luôn đúng với thực tiển, ít nhất là với hoạt động thư viện công cộng cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay.

          Mừng vì một số thư viện cấp xã khang trang, to đẹp, sạch sẽ, gọn gàng,  đạt chuẩn quốc gia. Thư viện xã Châu Pha nằm ngay tầng trệt của khu nhà trung tâm Văn hoá, Học tập cộng đồng xã khoáng đảng, đầy đủ trang thiết bị phục vụ bạn đọc. Thư viện  xã Bưng Riểng, thị trấn Ngãi Giao, Bình Ba, Quảng Thành… có cơ sở vật chất khá tốt. Một số thư viện cơ sở có nguồn vốn tài liệu số lượng tương đối lớn, từ 6.000 đến 9.000 bản sách như: Thư viện thị trấn Phước Hải, Long Tân, Lộc An, Kim Long, Suối Nghệ, Quảng Thành, Tân Hòa, Long Toàn, Long Sơn, Tam Phước, Láng Dài… Về cơ sở mới hiểu được và trân trọng với những việc làm sáng tạo vì sự phát triển văn hóa đọc của đội ngũ cán bộ thư viện. Trong “Cái khó, ló cái khôn”, tất cả thư viện cấp xã hiện tại không có tiền bổ sung báo hàng ngày. Nhưng, anh chị em đã có sáng kiến và chịu khó đi xin, thu gom báo cũ của Đảng uỷ, uỷ ban nhân dân, các ban, ngành đưa về thư viện, lưu giữ, phục vụ nhu cầu đọc báo của các tầng lớp dân cư. Có thư viện từ tình hình thực tế, đã có lịch phục vụ bạn đọc vào buổi trưa, cả thứ 7, chủ nhật, thậm chí phục vụ bạn đọc ban đêm. Phương thức phục vụ bạn đọc ở hầu hết thư viện cấp xã rất đa dạng: phục vụ tại thư viện, cho mượn sách về nhà, luân chuyển sách cho các trường học, khu phố, cụm dân cư; đưa sách phục vụ lưu động tại các trường học trên địa bàn. Trong năm 2014, hệ thống thư viện cơ sở đã phục vụ 724.590 lượt bạn đọc; 2.010.325 lượt sách báo lưu hành. Phối hợp với Thư viện tỉnh luân chuyển và lưu động 8.250 bản sách, phục vụ cho 24.750 lượt bạn đọc và 74.250 lượt sách, báo lưu hành. Ngoài ra thư viện cấp cơ sở chủ động luân chuyển, lưu động tới các trường học, cụm dân cư 47.290 bản sách, phục vụ 215.783 lượt bạn đọc và 577.603 lượt sách lưu hành.

Những thư viện chúng tôi đến đều thực hiện đúng quy định nghiệp vụ hiện hành. Hệ thống sổ sách quản lý đầy đủ, ghi chép cơ bản đã đảm bảo theo chuẩn nghiệp vụ quy định; một số thư viện cơ sở đã thực hiện việc cấp thẻ bạn đọc để quản lý an toàn nguồn vốn sách hiện có. Không ít cán bộ thư viện cơ sở trong khó khăn vẫn yêu ngành, yêu nghề, tận tụy với nghề nghiệp. Một số thủ thư đã bám trụ với nghề hàng chục năm, không một lời ca thán, cho dù chế độ định suất được hưởng hàng tháng không đáp ứng được một phần của cuộc sống bản thân. Khi chúng tôi hỏi, có người vẫn cười đùa, rằng: Chế độ hưởng theo định suất hiện tại không đủ tiền xăng xe cho bọn em đi đòi sách mà bạn đọc mượn quá hạn thời gian quy định! Nhiều người thầm ước trở thành “công chức văn hóa xã” để có thể được làm việc lâu dài với nghề… Mừng vì có nhiều đồng nghiệp như thế. Nhưng, trên đường về, khi mặt trời dần khuất nơi chân trời xa, bỗng dưng trong  mỗi chúng tôi cảm nhận cay cay nơi khoé mắt…

Nhiều vấn đề đặt ra phải được quan tâm:

Chúng tôi đến thư viện xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức vào một buổi sáng đẹp trời. Là nông thôn, nhưng con đường ở đây“có tên” thẳng tắp, thênh thang; nhà dân hai bên đường đều “có số” to đẹp, quy cũ  như một đô thị mới. Một xã mà kinh tế đang rời đường băng để cất cánh đi lên trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng trước mắt chúng tôi là trụ sở thôn – một ngôi nhà cấp bốn chừng 15m2, ọp ẹp, rách nát, bên trên có ghi dòng chữ: “Thư viện xã Nghiã Thành”. Phó Chủ tịch phụ trách văn xã nói như phân trần: Đất quy hoạch cho Trung tâm Văn hóa, Học tập cộng đồng đã được phê duyệt nhiều năm, nhưng không biết đến khi nào huyện mới cấp kinh phí để xây dựng. Thư viện xã đã ở nhờ trụ sở thôn 3 – 4 năm nay mà không biết tình trạng làm việc tạm bợ như thế sẽ còn kéo dài bao lâu nữa. Không riêng gì Nghĩa Thành, với nhiều lý do khác nhau như thư viện phường Phước Hiệp, thành phố Bà Rịa cũng đang trong tình trạng như vậy.

Ở những nơi đã có thiết chế Trung tâm Văn hóa, Học tập cộng đồng, phòng đọc sách được bố trí ngay trong trung tâm. Nhưng nhiều cơ sở thư viện chỉ được bố trí 1 phòng  từ 12 – 15 m2, diện tích đó vừa đủ kê được 4 kệ sách và bàn ghế thủ thư làm việc. Riêng bạn đọc phải tự tìm chổ ngồi ngoài hành lang hoặc dưới các gốc cây gần đó để đọc sách. Hầu hết các thư viện cấp xã có vị trí không thuận lợi. Hoặc là nằm sâu trong các con hẽm, hoặc xa trường học, xa khu dân cư nên rất khó thu hút bạn đọc. Thư viện xã Phước Thuận là một điển hình. Với địa hình xã trãi dài từ Hồ Tràm đến Gò Cát, Thư viện xã đặt ngay bên khu rừng cấm, không có bóng dáng một nhà dân. Người dân không đến đã đành, ngay các em học sinh trong những ngày nghỉ hè cũng không tới thư viện. Bởi, nói như vị Phó Chủ tịch phụ trách văn xã Phước Thuận, rằng: muốn tới được thư viện thì người dân, các em học sinh phải đi bằng phương tiện xe máy! Đập vào mắt chúng tôi là một thư viện cấp xã hoang vắng, ngay lối đi vào cỏ mọc um tùm…mà lòng dằn xé bao nỗi day dứt.

Hầu hết các thư viện cơ sở hiện đã và đang xuống cấp. Các thiết bị thư viện vẫn đang trong tình trạng vừa thiếu, vừa hư hỏng trầm trọng. Nhiều thư viện sử dụng các thiết bị tận dụng từ các trường học hay các ban, ngành cấp xã thanh lý với những bàn ghế xiêu vẹo, mối mọt; những giá sách oằn mình, võng xuống bởi nó phải gánh vác một khối lượng sách không tương xứng. Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, khoa học - công nghệ cho phép các lĩnh vực của đời sống xã hội đổi thay. Ngành thư viện đã chuyển từ truyền thống sang thư viện ảo, thư viện số. Vậy mà, chưa có thư viện cơ sở nào được trang bị máy tính để ít nhất là thực hiện các tác nghiệp hành chính và quản lý hoạt động thư viện, chứ chưa nói đến việc phục vụ bạn đọc tìm kiếm thông tin qua mạng.

Gía cả thị trường ngày một tăng, nhưng nguồn ngân sách cho hoạt động thư viện cấp xã không thay đổi trong rất nhiều năm. Mặt khác, việc chi cho hoạt động thư viện một số chính quyền cấp xã còn tùy tiện. Có nơi thư viện 1 năm được cấp ngân sách từ 8 – 10 triệu đồng cho hoạt động và bổ sung sách, vui hơn có nơi quan tâm số tiền cấp cho thư viện lên đến 15 triệu. Nhưng có cơ sở, nhiều năm không được cấp một đồng nào để mua sách bổ sung. Hỏi người có chức trách, được trả lời rằng: Do tổ chức Đại hội thể dục, thể thao bị thâm hụt, nên phải dùng ngân sách cấp cho văn hóa, thể thao bù vào. Thế là không còn tiền, thư viện không dám đề xuất, yêu cầu, chỉ việc nhìn theo trong thất vọng! Mục tiêu phấn đấu ít nhất trung bình 1 người dân phải có một cuốn sách. Vậy mà con số đó như là một xa xỉ ở một số không nhỏ thư viện cơ sở hiện nay. Nhiều xã, phường dân số trên 10.000 người, nhưng thư viện chưa đầy 2.000 quyển sách. Thậm chí như thư viện phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu, bình quân 10 người dân mới có 1 cuốn sách. Nguồn vốn sách số lượng ít, nghèo nàn về thể loại, nội dung; vị trí thư viện không thuận lợi; phòng đọc chật chội, xuống cấp…Thử hỏi có phép màu nhiệm nào để lôi cuốn bạn đọc?

Về cơ sở, được nghe nhiều về chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ thư viện xã, phường, thị trấn. Họ là cán bộ không chuyên trách, hưởng hệ số lương rất thấp và dù làm việc trong nghề bao nhiêu năm thì hệ số lương họ hưởng không hề thay đổi. Thôi, âu đó cũng là quy định hiện hành của Nhà nước. Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn lại là mỗi địa phương vận dụng chế độ khác nhau. Cán bộ thư viện cơ sở huyện Long Điền hiện hưởng hệ số lương 1.15; ở Châu Đức là 1.60; các địa phương khác là 1.86. Không có cán bộ thư viện cấp xã nào được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, cho dù hàng ngày họ vẫn trực tiếp tiếp xúc với sách, báo. Chế độ chính sách chưa phù hợp đang là nguyên nhân chính làm cho đội ngũ cán bộ thư viện cơ sở thường xuyên biến động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa đọc hiện nay ở cơ sở.

Vài lời cuối để thay cho lời kết:

Nhu cầu đọc sách, báo trong các tầng lớp nhân dân ở các địa phương hiện nay vẫn lớn. Đội ngũ những người làm công tác thư viện công cộng cấp cơ sở đã có nhiều cố gắng làm việc hết mình vì sự phát triển của văn hóa đọc. Nhưng với thực trạng như hiện tại, thiết nghĩ các ngành, các cấp trong tỉnh cần có sự quan tâm đúng mức, cụ thể, thiết thực với hệ thống thư viện công cộng cấp cơ sở. Theo chức trách, thẩm quyền được giao, cần chủ động vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm giải quyết, tháo gỡ những bức xúc nhất hiện nay về: Cơ sở vật chất, trang thiết bị; tuyển chọn đội ngũ cán bộ thư viện; chăm lo chế độ hợp lý; tăng kinh phí hoạt động…Những khó khăn, vướng mắc đó được giải tỏa thì chắc chắn hoạt động của hệ thống thư viện công cộng cấp cơ sở trong toàn tỉnh sẽ chuyển biến tích cực, sôi động và đạt hiệu quả cao hơn.
 
Nguyễn Quang Phi 
Bà Rịa, tháng 01/2015

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hình ảnh hoạt động
2.jpg
3.jpg
4.jpg
IMG-0105.jpg
img-2794.jpg
Liên hệ quảng cáo
Thông kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay1,727
  • Tháng hiện tại15,968
  • Tổng lượt truy cập9,499,435
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây