Phòng Thông tin - Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Mười lăm năm một chặng đường đáng nhớ

Chủ nhật - 24/09/2017 23:08

Ứng dụng công nghệ thông tin (UDCNTT) trong hệ thống thư viện công cộng

Trên thế giới, việc UDCNTT trong công tác thư viện khởi đầu từ những năm 50 thế kỷ 20. Ở Việt Nam, năm 1985, Thư viện Quốc gia là một trong những thư viện đầu tiên tiếp cận với công nghệ thông tin. Năm 1991, những máy tính đầu tiên được trang bị cho Thư viện tỉnh Thái Bình và Thư viện tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ cuối năm 1992 với các chương trình tài trợ của Bộ Văn hóa - Thông tin lần lượt các thư viện tỉnh, thành phố đã được trang bị từ 1 đến 3 máy tính cùng các thiết bị ngoại vi cần thiết và bắt đầu quá trình UDCNTT trong công tác chuyên môn nghiệp vụ thư viện.

Nhận rõ tầm quan trọng của việc UDCNTT trong thư viện, Nghị quyết của Chính phủ về việc phát triển công nghệ thông tin đến năm 2000, trong đó 2 dự án được phê duyệt: “Xây dựng mạng LAN, WAN” và “Phát triển và nâng cấp mạng WAN”. Kể từ mốc thời gian khởi đầu đó, các Chỉ thị 58, Nghị định 64,… của Bộ Chính trị, của Chính phủ lần lượt ra đời, chỉ đạo việc đẩy mạnh và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thư viện tỉnh BR-VTcùng với hệ thống thư viện công cộng trên cả nước cũng tích cực triển khai các Chỉ thị, Nghị định về việc UDCNTT vào mọi mặt công tác một cách hiệu quả. Từ những năm đầu được đầu tư chiếc máy tính đầu tiên thế hệ Compaq Deskpro 386 cùa IBM, ứng dụng phần mềm CDS/ISIS cho đến các máy tính của HP với những CPU mạnh hơn và những phần mềm như WINISIS đã hỗ trợ được công tác tra tìm tài liệu nhanh hơn; in phích bằng máy in, không phải viết tay; quản lý cơ sở dữ liệu thư mục một cách cơ bản nhất. Công tác xử lý kỹ thuật, nhập liệu, in phích, tìm tin,… được giao cho Phòng Nghiệp vụ.

Trước yêu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, Phòng Thông tin - Thư viện tỉnh BR-VT được thành lập theo Quyết định số 137/QĐ-VHTT, ngày 16/9/2002 của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh BR-VT, với chức năng nhiệm vụ: nghiên cứu, xây dựng và tổ chức triển khai UDCNTT cho toàn hệ thống thư viện công cộng của tỉnh BR-VT. 

Những ngày tháng đầu thành lập, Phòng Thông tin đối diện với vô vàn khó khăn và thách thức. Song chính những khó khăn, thách thức đó lại là “cú hích” quan trọng, tạo động lực để cán bộ, nhân viên không ngừng phấn đấu, tìm tòi giải pháp phù hợp, từng bước áp dụng khoa học công nghệ, UDCNTT vào hoạt động chuyên môn của thư viện mang lại hiệu quả ngày càng cao. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Phòng Thông tin đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, phát triển và UDCNTT trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh. Triển khai cung cấp thiết bị và kết nối mạng internet cho các thư viện huyện, phục vụ nhân dân địa phương tìm tin, nghiên cứu, học tập, giải trí thông qua hệ thống mạng internet.

Năm 2003, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa - Thông tin, đặc biệt là Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện tỉnh BR-VT là một trong 5 thư viện tỉnh đầu tiên của cả nước được đầu tư trang bị hạ tầng kỹ thuật và phần mềm quản lý thư viện tích hợp Ilib 3.0. Đến năm 2008 nâng cấp lên phiên bản Ilib 3.6 rồi đến phiên bản 4.0. Đối với thư viện cấp huyện cũng được quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phần mềm ứng dụng.

Trang Tra cứu tài liệu được tích hợp trên Website Thư viện tỉnh BR-VT

Cùng với phát triển hệ thống phần mềm Ilib 4.0, Di.Lib, module mượn trả sách điện tử,…, Thư viện tỉnh đã được đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT hiện đại, kết nối trực tuyến và phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân thông qua cổng thông tin, module sách điện tử, thư viện số,…. nhanh chóng, chính xác. Hiệu quả trong hoạt động chuyên môn của Thư viện từ việc UDCNTT ngày càng được khẳng định trong thực tế vị trí, vai trò và đóng góp không nhỏ của Phòng Thông tin trong hoạt động chung của hệ thống thư viện công cộng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phòng Dịch vụ Thông tin

Phòng Thông tin đã tham mưu với Ban Lãnh đạo chiến lược phát triển, UDCNTT thông qua các đề án, dự án. Đến nay, Phòng Thông tin đã phát triển như một “Thư viện thu nhỏ” từ bổ sung vốn tài liệu đầu vào cho đến công tác phục vụ bạn đọc; quản lý CSDL vốn tài liệu số; vận hành toàn hệ thống mạng LAN (4 máy chủ, 110 máy trạm); quản trị cổng thông tin Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Fanpage tương tác bạn đọc; xây dựng các video clip tuyên truyền quảng bá hình ảnh và hoạt động của thư viện; biên tập và phát hành các sản phẩm thông tin định kỳ và các chuyên đề; số hóa tài liệu, đặc biệt là các tài liệu nói về địa phương, tài liệu quý hiếm nhằm bổ sung vốn tài liệu số; … Một khối lượng công việc được giao khá đồ sộ, nhưng nhân sự của Phòng chỉ vẻn vẹn 6 người choàng gánh cho nhau cùng đảm nhiệm.

Trang Fanpage của Thư viện tỉnh BR-VT

15 năm, khoảng thời gian không dài hoặc chưa đủ để đánh giá tổng thể mức độ hoàn thành nhiệm vụ của một phòng chức năng trong một đơn vị sự nghiệp. Nhưng để dừng lại một thoáng, kiểm điểm lại, nhận ra những khó khăn, thách thức làm bệ để phóng tầm nhìn về tương lại, tham mưu cho lãnh đạo nhiều giải pháp hiệu quả hơn trong việc hướng đến một thư viện điện tử, phục vụ tốt cho nhu cầu đọc của nhân dân. Để đạt được những thành quả về ứng dụng CNTT trong thư viện như hôm nay, phải nói đến yếu tố con người. Người Trưởng phòng đầu tiên của Phòng Thông tin là Anh Nhữ Văn Dương  - một trong những người tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục trên máy tính đầu tiên; nghiên cứu vận hành phần mềm CDS/ISIS (của UNESCO tài trợ) cho đến WINISIS, Ilib,… đồng thời triển khai ứng dụng các phần mềm mã nguồn mở cho hệ thống thư viện cấp huyện, là cơ sở để tích hợp và lưu trữ cơ sở dữ liệu cho đến ngày hôm nay. Thế hệ kế cận là anh Lê Hồng Dương, chị Nguyễn Thị Thu Vang - những cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, được đào tạo bài bản (cử nhân Thông tin Thư viện, cử nhân CNTT). Phát huy những thành quả đạt được từ những cán bộ tiền nhiệm cộng với năng lực quản lý, điều hành tốt, Phòng Thông tin đã tiến thêm một bước dài đáng ghi nhận: đội ngũ cán bộ ngày một chuẩn hóa: 02/6 kỹ sư CNTT phần mềm và phần cứng; nguồn lực thông tin số ngày một tăng; CSDL thư mục trên máy tính ngày một chuẩn hóa và phát triển; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư mới; tổ chức hoạt động “thư viện lai” vừa truyền thống vừa hiện đại đạt hiệu quả; … cùng với các phòng chức năng trong đơn vị phát triển và UDCNTT được định hướng rõ ràng hơn thông qua các đề án, dự án ngắn hạn cũng như dài hạn.

Định hướng ổn định và phát triển CNTT từ nay đến 2030

Với mục tiêu hướng đến mô hình thư viện điện tử trong tương lai và hiện tại thư viện tỉnh hoạt động song song vừa truyền thống vừa hiện đại - mô hình “Thư viện lai” Ban Giám đốc Thư viện tỉnh đã định hướng chỉ đạo tập trung nguồn lực triển khai dự án CNTT trong toàn hệ thống giai đoạn từ 2017-2020.

Hiện Phòng Thông tin đang chú trọng thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là triển khai phần mềm quản lý thư viện điện tử chạy trên nền web, đảm bảo tính mở rộng, mềm dẻo, linh hoạt, tích hợp với các phần mềm khác. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Lãnh đạo, Phòng Thông tin phối hợp các thư viện huyện triển khai ứng dụng phần mềm thích hợp, đồng bộ hóa toàn hệ thống hướng đến việc chia sẻ CSDL dễ dàng hơn.

Trang Sách điện tử (http://tvbrvt.sachweb.com/)

Để tạo điều kiện cho việc phát triển và đẩy mạnh UDCNTT trong hoạt động thư viện, định hướng đến năm 2030, điều quan trọng nhất là việc xây dựng chính sách và quy định cụ thể liên quan đến vấn đề này. Trong bối cảnh thời đại công nghệ số, cần có sự nghiên cứu và xác định được các định hướng và quy định cụ thể liên quan đến hoạt động thư viện ở các bình diện liên quan tới xây dựng cơ sở hạ tầng, chia sẻ các nguồn thông tin điện tử, đầu tư các thiết bị vận hành thư viện, đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện số hóa tài liệu.

Quản trị mạng tại đơn vị

+ Trước hết cần đổi mới quản lý thư viện: Cần đặt ra các chính sách và quy định cụ thể nhẳm đẩy mạnh UDCNTT và truyền thông trong hoạt động thư viện; các quy định về số hóa tài liệu. Về vấn đề số hóa, cần xác lập chính sách ưu tiên số hóa và hình thành các tổ chức thực hiện việc số hóa, đảm bảo chất lượng và việc số hóa không bị trùng lặp.

+ Thứ hai, xây dựng chính sách tham gia và chia sẻ nguồn tài nguyên số giữa các thư viện, tiến tới việc hình thành bộ sưu tập số tỉnh, khu vực và quốc gia.

+ Thứ ba, cần tăng cường đầu tư phát triên hạ tầng công nghệ: Đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và thiết bị công nghệ bao gồm: Hệ thống mạng, hệ thống máy chủ, máy tính, Internet, hệ thống cáp, chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng CNTT theo hướng tập trung, đồng bộ, hiện đại, vững chắc để đủ sức triển khai các ứng dụng mạng phục vụ mượn liên thư viện trong toàn hệ thống thư viện công cộng nói riêng và thư viện trong cả nước nói chung.

+ Thứ tư, cần tiến hành song song việc phát triển và UDCNTT với việc chia sẻ các nguồn tài liệu số/ tài liệu điện tử và các kết quả biên mục giữa các thư viện, cơ quan thông tin: các luận văn, luận án tốt nghiệp đại học và sau đại học, đề tài nghiên cứu khoa học. Ưu tiên bổ sung, trao đổi nguồn tài liệu, sách điện tử - Ebook, nguồn tài liệu số hóa, các cơ sở dữ liệu số hóa, các bộ sưu tập chuyên đề… Đẩy mạnh việc số hóa các tài liệu quý hiếm, tài liệu địa chí đối với thư viện tỉnh. Đồng thời tăng cường khả năng tích hợp, chia sẻ các ứng dụng, dữ liệu và dịch vụ mạng.

+ Thứ năm, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo và nhân viên thư viện về tầm quan trọng của phát triển và UDCNTT trong hoạt động thư viện. Đồng thời, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực về CNTT, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực thư viện có khả năng xây dựng và quản trị thư viện điện tử. Đồng thời, chú trọng việc đào tạo, đạo tạo lại nhằm phổ cập kỹ năng sử dụng CNTT thường xuyên cho cán bộ lãnh đạo và nhân viên thư viện theo yêu cầu chuẩn hóa; cần coi trọng đào tạo, bồi dưỡng thành thạo các kỹ năng về tin học văn phòng, quản trị mạng, an toàn thông tin, cơ sở dữ liệu và cách khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu phù hợp. Bên cạnh đó, cần xây dựng lực lượng chuyên sâu về an ninh mạng.

Nhận thức được vai trò quan trọng trong sự phát triển ngành thư viện địa phương, Phòng Thông tin phấn đấu chuẩn hóa nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công việc; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, phát huy tối đa khả năng của từng cá nhân; tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm khai thác triệt để khoa học công nghệ, ứng dụng vào hoạt động thư viện mang đến những sản phẩm thông tin chất lượng, phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Một số thành tích Phòng Thông tin đạt được

15 năm nhìn lại, khoảng thời gian mà cả một tập thể mang tên Phòng Thông tin ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, đi cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ nhằm phát triển và UDCNTT trong hoạt động hệ thống thư viện công cộng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong thời gian tới, Phòng Thông tin sẽ phát huy những thành quả khoa học công nghệ, những thành tích đã đạt được để từng bước phát triển và UDCNTT trong thư viện tốt hơn nữa, đáp ứng nhu cầu dùng tin mọi lúc, mọi nơi của bạn đọc trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.

    Võ Tấn Tài

Phòng Thông tin - Thư viện tỉnh BR-VT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động
2.jpg
3.jpg
4.jpg
IMG-0105.jpg
img-2794.jpg
Liên hệ quảng cáo
Thông kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay2,114
  • Tháng hiện tại12,666
  • Tổng lượt truy cập9,708,570
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây