Gầy dựng văn hóa đọc - Phải bắt đầu từ tuổi thơ

Thứ hai - 14/11/2016 23:16

            Bill Gates, nhà tỷ phú, cha đẻ của hãng Microsoft từng tâm sự: Có 3 người phụ nữ đã làm thay đời cuộc đời ông, một là bà mà ông vẫn thường gọi là mẹ, hai là mẹ và ba là cô thủ thư kiêm giáo viên bậc tiểu học. Chính cô giáo là người đầu tiên đưa ông đến với sách, khơi dậy trong ông việc ham mê sách và từ những kiến thức thu lượm được, qua từng trang sách ông đã gặt hái được rất nhiều thành quả để trở thành người giàu nhất thế giới trong nhiều năm qua.

           Nhìn vào các nhà tỷ phú trên thế giới, họ chẳng có ma thuật gì cả, nhưng giàu có, giỏi giang, với họ hầu hết đều có một điểm chung mà ai trong chúng ta cũng có thể học được: đam mê đọc sách từ nhỏ và cho đến khi thành công trong sự nghiệp họ vẫn dành thời gian thích đáng để đọc sách. Warren Buffet dành 5 - 6 giờ mỗi ngày để đọc sách báo; Mark Zuc Kerberg dù bận rộn nhưng vẫn hoàn thành ít nhất 1 cuốn sách trong vòng 2 tuần; Elon Musk một người mê sách thực thụ, khi còn bé có ngày ông đọc 2 cuốn sách; Arthur Blank, tỷ phú đang sở hữu đội bóng rổ đương kim vô địch NBA Cleveland Cavavers dành 2 - 3 giờ mỗi ngày để đọc sách... Ngày nay, các nhà khoa học trên thế giới đều đồng tình với nhận định:  70% trong tổng số tri thức con người có trong thời đại bùng nổ thông tin đều đến từ kênh đọc, nghe, nhìn.

          Kinh nghiệm ở những nước có nền văn hóa đọc hàng đầu thế giới như Nga, Nhật, Pháp, Israel, Singapore, Mailaysia... cho thấy: Trẻ em khi cất tiếng khóc chào đời đã bắt đầu được tiếp xúc với sách qua những cuốn sách gối đầu giường và tủ sách gia đình được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Đặc biệt trẻ em ở bậc tiểu học được nhà trường định hướng cách thức chọn sách, đọc sách và viết tóm tắt cảm nhận sau khi đọc một cuốn sách. Đấy chính là nền tảng để khi lớn lên, trưởng thành bước vào đời hành vi đọc sách trở thành thói quen như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Ở Việt Nam, những năm 60, 70 của thế kỷ XX, khi miền Bắc XHCN kinh tế, xã hội quá nghèo nàn, nghèo đến mức ngay một cuốn sách cũng phải truyền tay nhau đọc, đọc ngấu nghiến để bạn khác nhanh đến lượt. Nhưng đấy lại là dấu ấn sâu đậm của tuổi thơ mà không ai có thể quên được. Những tác phẩm như “Dấu chân người lính”; “Đất rừng phương Nam”; “Thép đã tôi thế đấy”; “Chiến tranh và hòa bình”... đã đi theo họ đến suốt cả cuộc đời. Ngày nay, điều kiện kinh tế, xã hội phát triển hơn, một bộ phận trẻ em vẫn có xu hướng tìm đến sách và đọc sách. Nhưng ở những vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới, hải đảo cơ hội tiếp cận với nguồn sách còn quá nhiều khó khăn; ở đô thị, đồng bằng thuận lợi hơn rất nhiều thì gia đình, nhà trường, xã hội lại chưa có định hướng rõ ràng nên phần lớn trong số các em đến với sách vẫn tự do tìm và đọc theo sở thích. Nhưng điều đáng tiếc hơn, trong lớp tuổi thơ vẫn còn một bộ phận không nhỏ thờ ơ với sách, cũng đến thư viện đấy, nhưng không phải đọc sách mà lên mạng tìm kiếm những gì mình muốn.

          Để có một nền tảng văn hóa đọc sâu rộng và bền vững, không còn cách nào khác là phải tìm cách ươm mầm thói quen đọc sách bắt đầu từ tuổi thơ: Cho các em sớm được tiếp cận với sách để xây dựng tình yêu sách; hình thành kỹ năng đọc sách để các em có hành vi đọc sách lành mạnh, bổ ích và tạo lòng đam mê đọc sách từ nhỏ để hình thành một nhu cầu đến suốt cuộc đời. Trách nhiệm đó được đặt lên vai từng gia đình, nhà trường, xã hội, trong đó hệ thống thư viện công cộng phải đi tiên phong.

Tiết mục Kể chuyện sách "Mẹ ghẻ con chồng" tham gia tại Liên hoan Kể chuyện sách thiếu nhi tỉnh BR-VT năm 2016 do Thư viện tỉnh BR-VT tổ chức

          Gia đình chính là cái nôi đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nền tảng văn hóa đọc cho các em. Được sống trong một gia đình mà cha mẹ, anh chị thường xuyên quan tâm và đọc sách thì đó chính là môi trường lý tưởng để các em noi theo, thực hành theo. Trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên dành một số giờ ngoại khóa có tính bắt buộc để các em tiếp cận với sách. Nhà trường cần gắn kết chặt chẽ với hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tạo ra sân chơi bổ ích thông qua nhiều hình thức sinh động: Tổ chức cho học sinh tham quan các thư viện; hướng dẫn kỹ năng đọc sách; thi tìm hiểu về sách; kể chuyện theo sách; những buổi biểu diễn sân khấu hóa một câu chuyện theo sách... Hệ thống thư viện công cộng cần định hướng trọng tâm phục vụ là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Để thực hiện được điều này, ngoài việc tăng cường nguồn sách luân chuyển cho các thư viện nhà trường, bởi thực tế thư viện các trường nguồn vốn sách rất nghèo nàn; thư viện cấp huyện, cấp tỉnh nên xây dựng các phòng đọc sách tại các trường học, hoặc là phòng đọc độc lập, hoặc là để một số giá sách riêng biệt trong thư viện nhà trường. Phòng đọc sách đó như những vệ tinh, những cánh tay nối dài của thư viện công cộng để đưa sách đến với bạn đọc nhỏ tuổi.

          Chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm để có thể gây dựng văn hóa đọc bắt đầu từ lứa tuổi thơ. Nhưng trước hết mọi người, mọi tổ chức trong xã hội hãy chung tay mang thông điệp đến với các tầng lớp dân cư, đặc biệt là lứa tuổi các em bậc tiểu học, trung học cơ sở: Nếu hàng ngày không dành thời gian đọc sách, chúng ta sẽ có lỗi với xã hội!.

 

Nguyễn Quang Phi

Thư viện tỉnh BR-VT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động
2.jpg
3.jpg
4.jpg
IMG-0105.jpg
img-2794.jpg
Liên hệ quảng cáo
Thông kê truy cập
  • Đang truy cập74
  • Hôm nay4,326
  • Tháng hiện tại15,869
  • Tổng lượt truy cập9,499,336
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây