Thư viện tỉnh Bình Dương hỗ trợ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua xe thư viện lưu động

Thứ tư - 21/06/2023 05:50
Trong xã hội ngày nay, trẻ em thường được tiếp xúc với xã hội sớm hơn những thế hệ trước, vì vậy, trẻ cần được trang bị kỹ năng sống để có thể tự xử lý trong mọi tình huống. Việc hình thành các kỹ năng sống cơ bản cho trẻ không chỉ mang lại lợi ích về mặt sức khoẻ mà còn giúp các em sớm có ý thức để làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như xã hội.
Nắm bắt được vấn đề này, đồng thời thực hiện Chương trình phối hợp số 1200/CTPH-SGDĐT-SVHTTDL ngày 02/6/2022 giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2022 -2026, những năm qua Thư viện tỉnh Bình Dương đã có nhiều nội dung hoạt động gắn liền với việc giáo dục kỹ năng cho học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Nhất là từ năm 2020, khi Thư viện tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận động tập đoàn Vingroup tài trợ xe thư viện lưu động thì hoạt động càng được mở rộng và đầu tư vào chiều sâu.
 
Ảnh: Thư viện tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy PC 04 Công an tỉnh tuyên truyền chuyên đề “Phòng, chống ma túy học đường” tại Trường THCS Tam Lập (huyện Phú Giáo)
Ảnh: Thư viện tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy PC 04 Công an tỉnh tuyên truyền chuyên đề
“Phòng, chống ma túy học đường” tại Trường THCS Tam Lập (huyện Phú Giáo)

Trên cơ sở những chuyến xe sách lưu động, thư viện gắn việc phục vụ sách với tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Mục tiêu chính là nhằm lan tỏa tinh thần đọc sách đến học sinh, giới thiệu những quyển sách hay, bổ ích đang có tại thư viện tỉnh, đồng thời đem đến cho các em những kiến thức, kỹ năng từ sách. Để thực hiện nội dung này, Thư viện chọn các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như: Xâm hại trẻ em, bạo lực trong học đường, ma túy trong học đường, cháy nổ, tai nạn, thương tích, đuối nước, an toàn giao thông và văn hóa giao thông,... để đưa vào nội dung sinh hoạt chuyên đề. Trong đó, căn cứ vào đặc điểm của từng nhóm đối tượng như độ tuổi, nơi cư trú,... để chọn chủ đề tuyên truyền cho phù hợp.
 
Ảnh: Thư viện tỉnh tuyên truyền chuyên đề “Phòng, chống bạo lực học đường” tại trường THCS Trần Bình Trọng 1 (Thành phố Thủ Dầu Một)
Ảnh: Thư viện tỉnh tuyên truyền chuyên đề “Phòng, chống bạo lực học đường”
tại trường THCS Trần Bình Trọng 1 (Thành phố Thủ Dầu Một)

 
Nội dung tuyên truyền của từng chuyến xe sách lưu động tùy thuộc vào chủ đề đã chọn, tuyên truyền viên sẽ có kịch bản cụ thể, nhưng tựu trung bao gồm: khái quát về vấn đề cần nêu, giới thiệu nội dung chính của vấn đề, hướng dẫn cách giải quyết vấn đề, nêu những hệ lụy của vấn đề, hướng dẫn cách phòng tránh. Để thu hút sự chú ý theo dõi của các em, các tuyên truyền viên sẽ diễn một số tiểu phẩm ngắn nêu bật tình huống có liên quan đến chủ đề tuyên truyền và đặt câu hỏi để các em trả lời; khuyến khích và tạo không khí thân thiện, cởi mở để các em chủ động nêu ý kiến trong quá trình thảo luận bằng cách lắng nghe, đặt các câu hỏi phản hồi, tặng quà cho những em tích cực tham gia phát biểu. Song song đó, Thư viện còn chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, sách báo có liên quan đến chủ đề tuyên truyền và hướng dẫn các em tìm đọc.
 
 Để việc giáo dục kỹ năng đạt hiệu quả, Thư viện tỉnh còn có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn như Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh,.. Đây là những cơ quan có chuyên môn sâu trong việc tuyên truyền các chuyên đề. Nhất là các phòng chuyên môn của Công an tỉnh, bên cạnh việc đem đến những thông tin có ích, các tuyên truyền viên còn trực tiếp hướng dẫn học sinh thực hành các thao tác tự vệ, cứu hộ, cứu nạn,... làm cho buổi tuyên truyền đi vào chiều sâu, hấp dẫn, thu hút được đông đảo học sinh chú ý, tham gia. Bên cạnh đó, các tuyên truyền viên cũng tích cực tương tác với các em bằng cách đặt các câu hỏi có liên quan đến chủ đề tuyên truyền và khuyến khích các em trả lời bằng những phần quà nho nhỏ. Nhờ vậy mà các buổi tuyên truyền luôn được các em chú ý lắng nghe, trao đổi nhiệt tình. Hình thức tuyên truyền này trong những năm qua đã được ngành giáo dục và đào tạo, các trường học trên địa bàn và nhất là các em học sinh nhiệt tình hưởng ứng. 
 
Ảnh: Thư viện tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh thực hiện chuyên đề “Kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích, đuối nước, cháy nổ” tại Trường Tiểu học Hội Nghĩa (thành phố Tân Uyên)
Ảnh: Thư viện tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh thực hiện chuyên đề
“Kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích, đuối nước, cháy nổ” tại Trường Tiểu học Hội Nghĩa (thành phố Tân Uyên)

 
Mỗi năm, Thư viện tỉnh thực hiện khoảng 50 chuyến xe sách lưu động, trong đó có hơn 40 chuyến gắn liền với giáo dục kỹ năng, phục vụ gần 30.000 lượt học sinh. Mặc dù đây là hoạt động giáo dục ngoại khóa nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện của ban giám hiệu các trường học và sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các viên chức ngành thư viện, hoạt động đã mang lại hiệu quả khả quan. Sau những chuyến xe sách lưu động, Thư viện tỉnh nhận được sự phản hồi tích cực từ các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh. Đặc biệt vào cuối tháng 3/2023, Thư viện đã thực hiện chuyến xe sách lưu động kết hợp giáo dục kỹ năng phục vụ học sinh tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng theo kế hoạch của liên hiệp Thư viện khu vực Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ. Có thể nói, đây là hoạt động khá mới lạ đối với các thầy, cô giáo và các em học sinh ở đây, vì vậy chương trình đã được sự hưởng ứng rất tích cực.
 
Ảnh: Thực hiện chuyên đề “Tiếp cận thư viện và kỹ năng đọc sách hiệu quả” tại Trường Tiểu học Phan Như Thạch (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
Ảnh: Thực hiện chuyên đề “Tiếp cận thư viện và kỹ năng đọc sách hiệu quả”
tại Trường Tiểu học Phan Như Thạch (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)

Với những ưu điểm vượt trội cùng khả năng đáp ứng nhanh, hiệu quả nhu cầu đọc sách, tìm kiếm thông tin của mọi người dân, những chuyến xe sách lưu động đã tạo ra một bước tiến lớn trong ngành thư viện. Trong thời gian tới, việc mở rộng mô hình là vô cùng cần thiết. Đây đồng thời cũng là một nhiệm vụ quan trọng đối với ngành thư viện. Để hoạt động của thư viện lưu động ngày càng mang lại hiệu quả theo hướng dẫn của Thông tư số 05/2022/TT-BVHTTDL ngày 04/8/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với ngành Giáo dục và Đào tạo trong lĩnh vực thư viện, nhất là thư viện lưu động. Trong đó, chú ý đưa ra các nội dung hoạt động phù hợp, nâng tầm giáo dục kỹ năng, tạo điều kiện để viên chức ngành Thư viện được tổ chức các hoạt động tại trường học. Bên cạnh đó, hai ngành cần xây dựng kế hoạch hoạt động cũng như kế hoạch phối hợp cụ thể theo từng năm học.  

Hai là, để chương trình hoạt động được phong phú, đa dạng và chuyên sâu cần có sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong công tác tuyên truyền, giáo dục như: Sở Tài nguyên và Môi trường (chuyên đề Bảo vệ môi trường), Cảnh sát hình sự (chuyên đề phòng tránh xâm hại trẻ em, phòng chống ma túy,…), Cảnh sát giao thông (chuyên đề an toàn giao thông và văn hóa giao thông), Sở Thông tin và Truyền thông (chuyên đề về an ninh mạng),... 

 Ba là, để việc giáo dục kỹ năng được thực hiện tốt, cần một số tuyên truyền viên có kỹ năng thuyết trình, biểu diễn tiểu phẩm, tổ chức các hoạt động hoạt náo, có kiến thức pháp luật và một số kiến thức tổng hợp khác. Do đó, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cho viên chức thư viện các địa phương về kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tổ chức các trò chơi thiếu nhi, kỹ năng viết kịch bản và xây dựng chương trình,...

Tóm lại, kỹ năng sống là yếu tố quyết định đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này của trẻ. Khi xảy ra vấn đề nào đó, nếu không được trang bị kiến thức về kỹ năng sống trẻ sẽ không đủ khả năng để xử lý các tình huống bất ngờ. Vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là hết sức cần thiết và mọi hình thức giáo dục đều được gia đình, nhà trường và xã hội đặc biệt quan tâm. Giáo dục kỹ năng trong chương trình phục vụ sách lưu động của Thư viện tỉnh Bình Dương là một trong những hình thức thiết thực đang đem lại hiệu quả tích cực và cần được quan tâm duy trì và nhân rộng trong thời gian tới./.

Diễm Thúy – Thư viện tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hình ảnh hoạt động
2.jpg
3.jpg
4.jpg
IMG-0105.jpg
img-2794.jpg
Liên hệ quảng cáo
Thông kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay2,752
  • Tháng hiện tại24,654
  • Tổng lượt truy cập9,720,558
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây