Thư viện tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển văn hóa đọc

Thứ sáu - 24/04/2020 03:11
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ IX BCH TW khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Chương trình hành động số 88-CT/TU của Tỉnh ủy Bình Dương, Thư viện tỉnh xác định phát triển văn hóa đọc là một trong những nhiệm vụ hàng đầu chi phối toàn thể hoạt động của đơn vị. Từ những kế hoạch, đề án có liên quan đến văn hóa đọc, đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện và đã ghi nhận được nhiều kết quả.
Thư viện tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển văn hóa đọc
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền là nhiệm vụ tiên quyết để người dân biết đến các hoạt động của thư viện, đồng thời thu hút bạn đọc đến thư viện ngày càng tăng. Hàng năm, thư viện tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như: Hội báo xuân, Tổ chức Tuần lễ đọc sách và Văn hóa đọc chào mừng Ngày Sách Việt Nam (21/4) và hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23/4), tổ chức diễu hành bằng xe đạp, xe gắn máy, nói chuyện chuyên đề về văn hóa đọc và kỹ năng đọc sách; Phối hợp các nhà xuất bản Phụ nữ, Thanh niên, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên tặng sách cho bạn đọc. Đặc biệt, Thư viện tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 3 hội thi cấp tỉnh gồm: Hội thi Tuyên truyền và giới thiệu sách, Hội thi kể chuyện theo sách, Hội thi vẽ tranh theo sách nay đã phát triển lên thành Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi đã thu hút hàng ngàn thí sinh trong tỉnh tham gia. Thông qua các hội thi đã làm dấy lên phong trào đọc sách trong quần chúng nhân dân, nhất là lực lượng thanh thiếu nhi, sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh.

Hội sách thiếu nhi là hoạt động thường niên với các nội dung như tặng quà cho bạn đọc, tổ chức cho các em biểu diễn văn nghệ, giao lưu với gia đình bạn đọc tích cực, triển lãm sách, báo và các bức tranh đạt giải tại “Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi”. Phần hấp dẫn nhất đối với các em là được tham gia rất nhiều trò chơi vui nhộn có quà tặng như: tô tượng, tranh cát, heo đất; thi rung chuông vàng, giải mật thư, hái hoa tri thức, nghe kể chuyện sách,.. Đặc biệt, năm 2019, Thư viện còn trang trí phòng đọc sách thiếu nhi theo mô hình vừa học, vừa chơi nên được rất nhiều em nhỏ yêu thích.

Bên cạnh đó, Thư viện cũng chú trọng cải thiện môi trường đọc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bạn đọc dễ dàng tiếp cận như: tổ chức các phòng đọc theo hình thức kho mở, mở cửa cả ngày thứ bảy và chủ nhật trong tuần, giữ xe miễn phí, trang bị máy lạnh, máy tính, wifi miễn phí, không gian đọc thoáng mát, yên tĩnh, thủ thư hướng dẫn bạn đọc tra tìm tài liệu, thông tin tận tình, chu đáo.

Song song đó, vốn tài liệu luôn được thư viện bổ sung, cập nhật kịp thời với  nội dung đa dạng phong phú, đầy đủ các môn loại và có tính mới cao để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của người dân. Bình quân mỗi năm, thư viện tỉnh bổ sung khoảng 35.000 bản sách, nâng tổng số sách, báo của Thư viện hiện nay lên đến gần 600.000 bản. Riêng báo và tạp chí có gần 130 loại được bổ sung thường xuyên. Ngoài ra, Thư viện còn có gần 7.000 đĩa CD, VCD, gần 400 luận án, luận văn để phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu của bạn đọc.

Để phục vụ tốt hơn cho bạn đọc, trong những năm qua, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các dự án, đề tài ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, hướng bạn đọc vào mô hình thư viện số. Đơn vị đã hợp đồng khai thác tài liệu số với tổng vốn hiện có là 1.500.000 tài liệu, thực hiện số hóa tài liệu địa chí, luận án, luận văn được 931 tài liệu và 400 trang tài liệu địa chí Bình Dương giai đoạn từ năm 1900 đến năm 1975. Đặc biệt, trong mùa dịch bệnh Covid -19, thư viện đã thực hiện một số video clip kể chuyện sách phục vụ các em thiếu nhi, viết bài giới thiệu sách đưa lên trang thông tin điện tử để phục vụ bạn đọc.
 
20200424 02

Thực hiện Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 2994/KH-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã tích cực thực hiện việc luân chuyển sách báo đến các xã vùng xa, vùng có nhiều khu công nghiệp,các trường học, trại giam, Bưu điện văn hóa xã, phòng đọc sách của xã,... để phục vụ đa dạng các đối tượng bạn đọc, nâng dần tỷ lệ người dân tiếp cận với sách và làm giảm sự chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa đọc giữa thành thị và nông thôn. Ngoài việc thực hiện kế hoạch phối hợp với các Sở, ngành như Sở Giáo dục và Đào tạo, Bưu điện tỉnh, Ban Giám thị các trại giam, thư viện còn chủ động phối hợp với các huyện, thị, thành đoàn, các trường học trên địa bàn tỉnh để đưa sách, báo phục vụ các em học sinh, đồng thời tổ chức nhiều trò chơi vui nhộn, có thưởng để thu hút các em.

Thời gian qua, thư viện đã nhận được sự tham gia và phản hồi tích cực của phụ huynh học sinh trong mượn đọc và giới thiệu sách. Có thể nói, hoạt động của thư viện đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được thói quen và kỹ năng đọc sách cho người dân, nhất là trong học sinh, sinh viên, qua đó đã góp phần vào việc phát triển văn hóa đọc tại địa phương./.
 

Tác giả bài viết: DT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động
2.jpg
3.jpg
4.jpg
IMG-0105.jpg
img-2794.jpg
Liên hệ quảng cáo
Thông kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay6,788
  • Tháng hiện tại80,043
  • Tổng lượt truy cập9,425,539
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây