Theo kết quả xếp hạng mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin – truyền thông (ICT Index) năm 2019, về tổng thể tỉnh BR-VT xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là bước đệm tốt để triển khai xây dựng ĐTTM.
Hội đồng nhân dân tỉnh BR-VT vừa ban hành Nghị quyết số 112/2019/NQ-HĐND về việc thông qua “Đề án Phát triển ĐTTM tỉnh BR-VT giai đoạn 2020-2022, định hướng đến 2025, tầm nhìn đến 2030”. Theo đó, tỉnh BR-VT phát triển ĐTTM hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống. Và để tỉnh nhà trở thành một ĐTTM trong tương lai gần thì không thể thiếu sự đồng lòng, góp sức của các Sở, Ban, Ngành trong đó có ngành Văn hoá và Thư viện.
Trong những năm qua, ngành Thư viện tỉnh BR-VT đã có nhiều bước phát triển về công nghệ thông tin (CNTT). Thư viện tỉnh BR-VT đã áp dụng các văn bản chỉ đạo thống nhất của trung ương và địa phương như: Quyết định số 2928/QĐ-UBND ngày 01/09/2009 của UBND tỉnh BR-VT về phê duyệt Đề án Phát triển ngành Thư viện tỉnh BR-VT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Quyết định số 3744/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh BR-VT giai đoạn 2016-2020; Công văn số 7851/UBND-VP ngày 20/10/2014 của UBND tỉnh BR-VT về việc cho phép Thư viện tỉnh BR-VT tổ chức hoạt động thư viện số song hành với hoạt động thư viện truyền thống…
Hiện nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng CNTT của Thư viện được đầu tư khá đồng bộ gồm phần mềm Quản lý Thư viện điện tử Vebrary 5.0 hỗ trợ tích hợp Cơ sở Dữ liệu (CSDL) của toàn bộ hệ thống thư viện tỉnh BR-VT và có thể tích hợp kết nối với các nguồn CSDL khác, hệ thống SAN lưu trữ và một số trang thiết bị khác (máy scan chuyên dụng, máy in),… Tất cả công việc chuyên môn, nghiệp vụ được thực trên phần mềm Quản lý thư viện điện tử thông qua máy tính và không bị giới hạn bởi không gian vật lý.
Thư viện tỉnh đã đưa vào hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp, tích hợp nguồn tài nguyên số của đơn vị tại website với hai tên miền chính thức thuvienbrvt.com.vn và thuvienbrvt.vn.
Trang thông tin điện tử Thư viện tỉnh BR-VT
Đặc biệt, với mục đích hoàn thiện và đưa mô hình “thư viện lai” vào hoạt động (thư viện điện tử song hành cùng thư viện truyền thống), nhằm tạo động lực thúc đẩy và từng bước hiện đại hóa hoạt động thư viện; Phục vụ nhu cầu nghiên cứu học tập, tìm kiếm thông tin cho bạn đọc mọi lúc, mọi nơi; Tăng hiệu quả phục vụ tài liệu khi chỉ cần một bản tài liệu số, tài liệu điện tử có thể phục vụ hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn bạn đọc truy cập cùng một lúc, Thư viện tỉnh BR-VT đã và đang tích cực triển khai công tác số hóa tài liệu.
Nguồn tài nguyên số của Thư viện tỉnh BR-VT được lưu trữ và phục vụ bạn đọc tại 04 địa chỉ website: Trang thông tin điện tử Thư viện tỉnh với hàng trăm tài liệu; Tài liệu số: http://thuvienso.thuvienbrvt.com.vn/ với hơn 1.4 triệu tài liệu; Sách điện tử: http://tvbrvt.sachweb.com/ với 2456 tên/ 11.464 bản tài liệu; Sách điện tử: https://www.ybook.vn/thu-vien/16/thu-vien-tinh-ba-ria-vung-tau, với 3.962 tên/11.886 bản tài liệu. Ngoài ra, hàng năm Thư viện tỉnh BR-VT còn chủ động thực hiện các bộ sưu tập số, các sản phẩm thông tin và số hóa hàng ngàn trang tài liệu sách, báo, tạp chí.
Nguồn tài nguyên số được tích hợp lên Trang thông tin điện tử
Những tài liệu được số hóa dựa trên những tiêu chí về tình trạng bản quyền của tài liệu; về nội dung tài liệu: Trên cơ sở xác định nhóm người dùng mục tiêu mà thư viện lựa chọn các chủ đề tài liệu theo nội dung tài liệu phục vụ; tài liệu có tần suất sử dụng cao...; Ưu tiên tài liệu địa chí tỉnh BR-VT, tài liệu địa chí các tỉnh thành trong cả nước, tài liệu có giá trị đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong giai đoạn mới….
Với những gì đã, đang và sẽ làm được, Thư viện tỉnh BR-VT sẽ xây dựng một Thư viện thông minh theo xu hướng chiến lược phát triển của tỉnh BR-VT, tạo cơ hội cho đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh có thể tiếp cận thông tin tri thức góp phần xây dựng xã hội và đặc biệt là sự phát triển ĐTTM của tỉnh nhà.
Kim Yến – Quang Sơn
Thư viện tỉnh BR-VT