Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp mỗi cá nhân có thể có một cuộc sống trí tuệ, ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Vì vậy, phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là đất nước Việt Nam của chúng ta. Muốn duy trì và phát triển văn hóa đọc, cũng cần điều kiện phát triển xã hội của nó. Phải có nhiều chính sách khuyến đọc phù hợp để người người có thể đọc sách, nhà nhà có thể đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức. Đây cũng chính là chủ đề của buổi toạ đàm “Chung tay vì một xã hội đọc sách hay, làm điều tốt” được tổ chức trực tuyến của Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) vào sáng ngày 28/12/2021.
Tham dự chương trình Toạ đàm, về phía khách mời có sự hiện diện của các Sở, Ban, Ngành tỉnh BR-VT. Về phía Ban Tổ chức Tọa đàm có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, ông Huỳnh Tới – Phó Giám đốc Thư viện tỉnh BR-VT.
Chương trình Tọa đàm có sự tham gia của ông Nguyễn Quang Phi – Chuyên viên chính, báo cáo viên, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh BR-VT; TS. Cao Thanh Phước - Trưởng khoa Thư viện Thông tin và TS. Huỳnh Mẫn Đạt – Giảng viên Khoa Thư viện Thông tin Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, những người trực tiếp làm nên thành công của chương trình toạ đàm.
Chương trình Toạ đàm “Chung tay vì một xã hội đọc sách hay, làm điều tốt” thuộc thuộc Đề án Phát triển Văn hóa đọc tỉnh BR-VT năm 2021 được tổ chức nhằm tăng cường vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng, duy trì thói quen đọc sách đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân về phát triển văn hóa đọc.
Phát biểu khai mạc chương trình toạ đàm, ông Huỳnh Tới – Phó Giám đốc Thư viện tỉnh BR-VT cho biết: Được sự quan tâm của UBND tỉnh BR-VT, Sở Văn hóa và Thể thao, Thư viện tỉnh BR-VT đang triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển Văn hoá đọc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Và phát triển văn hoá đọc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án, đang đặt ra với những thách thức trước mắt và lâu dài, bởi phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là nền tảng để xây dựng thành công xã hội học tập.
Tiếp đó, TS. Huỳnh Mẫn Đạt - Giảng viên Khoa Thư viện Thông tin Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận “Truyền thống văn hóa đọc của dân tộc Việt Nam: thực trạng và giải pháp phát triển”. Tham luận nhấn mạnh, muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội; nhưng trọng tâm và là mục đích cuối cùng của phát triển văn hoá đọc chính là phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi thành viên trong xã hội. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân trong xã hội là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.
TS. Cao Thanh Phước - Trưởng khoa Thư viện Thông tin Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh với tham luận “Các yếu tố tác động đến văn hóa đọc và hoạt động phát triển văn hóa đọc”. Tham luận chia sẻ sự hình thành và phát triển của văn hóa đọc chịu sự tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Những yếu tố quan trọng nhất tác động đến văn hóa đọc và hoạt động phát triển văn hóa đọc được liệt kê ra như: Truyền thống văn hóa dân tộc, nền giáo dục, điều kiện kinh tế...
Tham luận “Người cao tuổi tác động đến giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là hình thành thói quen đọc sách” của ông Nguyễn Quang Phi - Chuyên viên chính, báo cáo viên, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh BR-VT - nêu rõ người cao tuổi có tác động rất lớn đến thế hệ trẻ về thói quen đọc sách – chính họ sẽ đóng góp rất lớn trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc – làm lan tỏa để người người đọc sách, nhà nhà đọc sách.
Sau giờ nghỉ giải lao, là phần giao lưu với các diễn giả với chủ đề “Chung tay vì một xã hội đọc sách hay, làm điều tốt”. Trong phần này, ông Huỳnh Tới – Phó Giám đốc Thư viện tỉnh BR-VT có những chia sẻ về việc triển khai khai thực hiện Đề án Phát triển Văn hóa đọc tỉnh BR-VT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và hướng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tỉnh BR-VT trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Việc hình thành thói quen đọc sách của thanh thiếu niên được tác động từ các phía, đó là nhà trường, gia đình và xã hội. Việc giáo dục về thói quen đọc sách trong gia đình cũng là một yếu tố quan trọng. Cha mẹ, ông bà khuyến khích và định hướng con trẻ từ khi còn nhỏ để tạo cho con một niềm yêu thích sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách. Và sau cùng là cả xã hội chung tay cùng lan tỏa tình yêu sách; các phương tiện truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách hay đến với đông đảo bạn đọc. Đó chính là cách khơi dậy niềm say mê đọc sách, giúp mỗi người hiểu hơn lợi ích của việc đọc sách.
Hy vọng qua những chia sẻ của chương trình toạ đàm này, tất cả mọi người sẽ cùng nhau “Chung tay vì một xã hội đọc sách hay, làm điều tốt”.
Thảo My
Phòng Nghiệp vụ - Thư viện tỉnh BR-VT