Đây là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm xây dựng, tạo lập thói quen đọc sách cho các em học sinh nhà trường để từng bước hình thành và lan tỏa tình yêu với sách và văn hóa đọc được ký kết giữa 02 đơn vị trong những năm vừa qua. Đồng thời, đây cũng là một trong những hoạt động được nhà trường lồng ghép vào chương trình giáo dục phổ thông, làm phong phú nội dung sinh hoạt của “tiết đọc sách” cho các em học sinh.
Học sinh tham gia thảo luận
Trong buổi tọa đàm, cán bộ thư viện trường cũng như Thư viện tỉnh đã chia sẻ và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới sách nhằm định hướng và giúp cho các em biết cách lựa chọn cho mình những cuốn sách tốt, sách hay phù hợp với nhu cầu, khả năng và lứa tuổi của các em. Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản như: Tại sao phải đọc sách? Vai trò của đọc sách? Loại sách nào bạn thích đọc nhất? Đọc sách như thế nào là hiệu quả? Và những câu hỏi liên quan đến các hoạt động thư viện như: Bạn có biết các cuộc thi liên quan tới sách do Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức không? Cuộc thi có giúp ích cho bạn trong việc đọc sách không?
Sau khi tham gia và trả lời đầy đủ các câu hỏi do Ban tổ chức chương trình đặt ra, các em học sinh còn được các cô thủ thư có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác thư viện hướng dẫn các phương pháp đọc sách một cách hiệu quả và chia sẻ thêm các lợi ích từ việc đọc sách. Bên cạnh đó, các cô còn truyền đạt thêm nhiều kinh nghiệm trong chọn sách, tìm kiếm thông tin hữu ích nhằm giúp cho các em nâng cao hiểu biết của bản thân và từ đó có một cái nhìn đúng đắn hơn trong việc định hướng nghề nghiệp cho tương lai.
Các em học sinh trình bày quan điểm, trả lời câu hỏi thảo luận
Mặc dù, mới bước vào năm học đầu tiên của chặng đường cấp 3, nhưng hầu hết các em học sinh của trường THPT Bà Rịa đều rất tự tin và mạnh dạn trong việc trao đổi, thảo luận và xử lý các tình huống, các vấn đề về sách và văn hóa đọc do cán bộ thư viện trường và Thư viện tỉnh đưa ra. Các em đã không ngần ngại trình bày quan điểm, sở thích và nguyện vọng của mình đối với các vấn đề như: kỹ năng đọc sách, bổ sung tài liệu, về công tác phối hợp tổ chức các hoạt động sách báo của nhà trường cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu của Thư viện tỉnh.
Với sự chia sẻ rất mộc mạc, gần gũi ấy của các em đã giúp cho 02 đơn vị có một cái nhìn toàn diện hơn về công tác phối hợp của mình trong thời gian qua. Qua đó, giúp cho 02 đơn vị nắm bắt kịp thời các nhu cầu của các em để cùng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động về sách và thư viện trong giai đoạn tiếp theo được tốt hơn nhằm từng bước hình thành thói quen, nhu cầu, kỹ năng và lan tỏa phong trào đọc sách ngày một rộng rãi hơn.
Đinh Thúy
Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu