Tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với sự phát triển của Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ sáu - 04/06/2021 00:18
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy mà Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và liên tục nỗ lực đề hoàn thiện chính sách về cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời cũng luôn đề cao vai trò to lớn và ý nghĩa quyết định của cán bộ và công tác cán bộ đối với sự thành bại của cách mạng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
    Và trong những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều văn bản rất quan trọng về công tác cán bộ, có ý nghĩa lớn đối với công cuộc cải cách, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị như: Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...; Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 19/3/2018, Tỉnh ủy BR-VT đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Chương trình hành động số 28-CTr/TU, ngày 27/7/2018 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW...
     Có thể nói, công tác cán bộ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong mỗi cơ quan, tổ chức; là nhân tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của chính tổ chức đó. Điều này đã được minh chứng bằng thực tiễn hoạt động của Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong hơn 45 năm hình thành và phát triển của mình. Từ những ngày đầu được thành lập với tên gọi Thư viện Nhân dân Thị xã Vũng Tàu với vỏn vẹn chưa đầy 10 CBVC được tổ chức với các tổ chuyên môn nghiệp vụ; rồi đến giai đoạn 2010 – 2013, số lượng CBVC đã tăng lên hơn 50 người, bộ máy tổ chức gồm 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau để phục vụ cùng lúc 02 trụ sở hoạt động tại Tp. Vũng Tàu và Tp. Bà Rịa. Và cho đến nay, số lượng CBVC của Thư viện tỉnh đã ổn định vào khoảng 41 người (gồm 31 biên chế và 10 HĐLĐ), bộ máy tổ chức gồm  04 phòng chuyên môn, nghiệp vụ.
     Như vậy, trải qua quá trình hình thành và phát triển của mình, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ tại Thư viện tỉnh luôn có sự thay đổi theo thời gian, biến đổi theo quá trình hoạt động và sự trưởng thành, lớn mạnh của chính các hoạt động nghề nghiệp thư viện tại địa phương. Và cứ mỗi khi số lượng người làm việc có sự thay đổi theo chức năng nhiệm vụ được phát sinh trong tình hình mới thì công tác cán bộ cũng có sự thay đổi theo tiến trình vận động đó để thúc đẩy quá trình phát triển của thư viện bằng cách xây dựng bộ máy tổ chức và cơ cấu nguồn nhân lực một cách khoa học, hợp lý cho từng vị trí việc làm nhằm phát huy yếu tố con người một cách hiệu quả nhất trong từng thời kỳ phát triển của thư viện.
     Có thể nói, công tác cán bộ tại Thư viện tỉnh luôn đi trước và định hướng một cách tốt nhất cho sự phát triển của hoạt động thư viện trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ lại trở thành một vấn đề rất “nóng” và tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của đơn vị, đó chính là sự biến động rất lớn về nguồn nhân lực trong giai đoạn chuyển giao thế hệ của những người làm công tác thư viện; chuyển giao công nghệ từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử. Đây cũng được xem là khó khăn chung của hệ thống thư viện công cộng trong toàn quốc và thậm chí là tất cả các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực thông tin thư viện. Vì, đầu vào của các chuyên ngành đào tạo về lĩnh vực thư viện – thông tin ngày càng hạn chế, sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng không hào hứng, không muốn vào làm việc cho các đơn vị sự nghiệp văn hóa của nhà nước với đồng lương ít ỏi cùng với các chế độ đãi ngộ gần như là không có. Họ sẳn sàng bám trụ lại và làm những công việc không đúng chuyên ngành tại các thành phố lớn nhưng với mức thu nhập cao hơn và điều kiện phát triển tốt hơn. Chính vì vậy mà thị trường lao động trong lĩnh vực này đã khan hiếm thì ngày càng thêm khan hiếm hơn bao giờ hết. 
     Giai đoạn 2016-2018, được xem là thời kỳ khủng hoảng nhân sự một cách trầm trọng nhất đối với Thư viện tỉnh, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc đội ngũ cán bộ đến tuổi nghỉ hưu một cách đồng loạt; cán bộ xin nghỉ việc và chuyển công tác do không sắp xếp được điều kiện làm việc và sinh sống giữa Tp.Bà Rịa và Tp.Vũng Tàu. Giai đoạn này, đội ngũ cán bộ thiếu hụt lên đến 10 người (trong đó: 7 viên chức trên tổng số 31 biên chế được giao và 03 HĐLĐ trên 10 vị trí HĐLĐ (chiếm gần 25%) tổng số lao động của đơn vị. Trong khi công tác tuyển dụng nguồn nhân lực thay thế thì rất khó khăn, do thị trường lao động khan hiếm; Đề án vị trí việc làm được duyệt theo cơ chế của nhà nước, chậm thay đổi nên không còn phù hợp với điều kiện thực tế và thị trường lao đông hiện tại trong lĩnh vực thông tin thư viện. 
     Trước tình hình đó, làm sao để thu hút và tuyển dụng đủ số lượng viên chức làm việc theo đúng quy định của nhà nước là một bài toán rất khó cho đơn vị. Chứ chưa nói đến đội ngủ mới tuyển dụng phải đáp ứng đầy đủ về bằng cấp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng, sở trường để có thể thích ứng kịp thời và phát huy được năng lực của cá nhân trong giai đoạn chuyển giao thế hệ và đặc biệt là giai đoạn chuyển từ hoạt động thư viện truyền thống sang hoạt động thư viện điện tử theo lộ trình đã được UBD tỉnh phê duyệt và giai đoạn đẩy nhanh công tác phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng theo tinh thần quyết định 329/QĐ-TTg của Thủ trướng Chính phủ.  
     Để từng bước tháo gỡ và giải quyết những khó khăn đó, Thư viện tỉnh đã xác định được mấu chốt của vấn đề là nằm ở tiêu chuẩn đầu vào mà theo quy định hành chính nhà nước là không còn phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường lao động trong lĩnh vực văn hóa nói chung và lĩnh vực thư viện – thông tin nói riêng. Do đó, Thư viện tỉnh quyết định điều chỉnh và sửa đổi Đề án vị trí việc làm tại đơn vị cho phù hợp với tình hình thực tế và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt với các nội dung như sau:
     + Thứ nhất: Mở rộng điều kiện tham gia dự tuyển cho các ứng cử viên tham gia, chẳng hạn như: không quy định cứng nhắc chuyên ngành dự tuyển là thông tin – thư viện mà có thể là tốt nghiệp các chuyên ngành khác và đã được tập huấn và có chứng nhận đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thư viện do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
     + Thứ hai: Mở rộng các nhóm vị trí việc làm để những người làm công tác thư viện không chỉ đơn thuần là người thủ thư mà là người hướng dẫn; là tuyên truyền viên; người xây dựng, tổ chức và phát triển phong trào văn hóa đọc cho đơn vị, cho cộng đồng...
     + Thứ ba: Bổ sung một số vị trí việc làm thuộc chuyên môn nghiệp vụ của ngành thư viện vào vị trí viên chức thay cho HĐLĐ như trước đây, để thu hút tạo nguồn nhằm giúp người lao động yên tâm, công hiến cho sự nghiệp thư viện.
     Bên cạnh đó, đơn vị còn mạnh dạn và quyết liệt trong việc sắp xếp và tinh gọn lại cơ cấu bộ máy tổ chức bằng việc đề xuất UBND tỉnh giải thể Phòng Mạng lưới thư viện và chuyển chức năng nhiệm vụ của Phòng Mạng lưới thư viện sang Phòng Nghiệp vụ và Phòng Công tác bạn đọc. Như vậy, sau khi giải thể Phòng Mạng lưới thư viện thì bộ máy tổ chức của đơn vị còn lại 4 phòng chuyên môn và giảm được 01 chức danh trưởng phòng.
     Với sự quyết tâm, thống nhất trong cấp ủy và chính quyền, sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể CBVC trong đơn vị, Thư viện tỉnh đã cơ bản tháo gỡ được những khó khăn về công tác nhân sự, trung bình mỗi năm Thư viện tỉnh đã tuyển dụng được từ 2 – 3 CBVC mới nhằm thay thế cho các vị trí CBVC đã nghỉ việc, nghỉ hưu tại đơn vị và đến nay đã tuyển dụng đủ số lượng biên chế còn khuyết. Với kết quả đó, đã giúp cho đơn vị từng bước ổn định, kiện toàn lại bộ máy tổ chức nhân sự nhằm tạo điều kiện, tiền đề cho việc xây dựng và phát triển hệ thống thư viện điện tử cho tương lai.  
1
Ông Trần Thế Vinh – Phó Giám đốc Thư viện tỉnh BR-VT trao quyết định tuyển dụng cho 04 thí sinh trúng tuyển
     Bước sang giai đoạn 2019-2020, Thư viện tỉnh được UBND tỉnh đầu tư thực hiện Dự án thư viện điện tử và Đề án Phát triển Văn hóa đọc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là điều kiện cần thiết và là tiền đề rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự nghiệp thư viện địa phương ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đó cũng chính là những thách thức mới cho đơn vị trong tình hình nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế, bộ máy tổ chức mới vừa được ổn định và kiện toàn như hiện nay.
     Trước tình hình đó, một lần nữa cấp ủy và chính quyền đơn vị cần phải tìm ra nhiều phải pháp khác nhau để có thể thực hiện được mục tiêu “kép” trong việc vừa phát huy hiệu quả của hoạt động thư viện điện tử và phải làm sao để có thể thúc đẩy và phát triển được phong trào văn hóa đọc trong toàn tỉnh một cách rộng rãi nhất với điều kiện nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế như hiện nay? Đó là một câu hỏi lớn mà tập thể CBVC Thư viện tỉnh cần phải trả lời và thực hiện cho bằng được, nếu muốn sự nghiệp thư viện phát triển tương xứng tiềm năng, thế mạnh và  điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Sau khi nghiên cứu và phân tích các điều kiện cụ thể, giải pháp tối ưu nhất trong giai đoạn hiện nay đó chính là phát huy hiệu quả của công tác cán bộ bằng cách tiếp tục sắp xếp và cơ cấu lại đội ngũ CBVC hiện có. Đồng thời, có kế hoạch dài hạn trong việc định hướng phát triển nguồn nhân lực thay thế cho các vị trí việc làm cần thiết, phù hợp với điều kiện hiện tại và sự phát triển của thư viện trong tương lai.
     Với sự đồng lòng và quyết tâm của toàn thể CBVC, Thư viện tỉnh quyết định cơ cấu lại bộ máy tổ chức, nhân sự như sau: 
     + Chuyển bộ phận bảo quản tài liệu từ Phòng Công tác Bạn đọc sang Phòng Thông tin và thành lập Bộ phận Bảo quản và số hóa tài liệu để tiến hành số hóa nguồn tài liệu hiện có tại đơn vị nhằm phát huy hiệu quả các trang thiết bị của Dự án Thư viện điện từ và phục vụ cho lộ trình chuyển đổi số của Thư viện theo tinh thần của thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 206/QĐ-TTg.
     + Cơ cấu và chuyển đổi vị trí việc làm nhằm phát huy hiệu quả công tác của CBVC trong đơn vị. Mạnh dạn điều động, bổ nhiệm một số cán bộ trẻ, năng động để thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc theo Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, cụ thể: 
     * Bổ nhiệm Phó Trưởng phòng CTBĐ và Phó Trưởng Phòng Hành chính
     * Giao nhiệm vụ Phó Trưởng phòng Phụ trách cho Phòng Hành chính và Phòng Nghiệp vụ.
     * Điều động Trưởng phòng Thông tin sang nhận nhiệm vụ Trưởng Phòng CTBĐ.
     * Điều động Trưởng Phòng CTBĐ sang nhận nhiệm vụ Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ.
     * Chuyển đổi vị trí công tác cho 07 CBVC tại các phòng chuyên môn nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho Phòng Thông tin và Phòng CTBĐ để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ngành thư viện và phát triển văn hóa đọc trong toàn tỉnh.
     + Tuyển dụng 02 viên chức có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm trong điều kiện phát triển thư viện cho thời gian tới, trong đó: 01 cử nhân ngoại ngữ để phát huy hiệu quả của việc sử dụng kho sách ngoại văn và phối hợp phát triển các Câu lạc bộ tiếng anh tại đơn vị trong chương trình ký kết liên tịch với các trung tâm anh ngữ trong thời gian qua nhằm xây dựng và phát triển phong trào văn hóa đọc cho những người yêu thích ngoại ngữ của thư viện. 
2
Ông Trần Minh Thế - Giám đốc Thư viện tỉnh BR-VT trao quyết định bổ nhiệm Phó Trưởng Phòng Hành chính và Phó Trưởng phòng CTBĐ
3
Ông Huỳnh Tới – Phó Giám đốc Thư viện tỉnh BR-VT trao quyết định chuyển đổi vị trí công tác cho CBVC tại các phòng chuyên môn
     Như vậy, sau khi cơ cấu lại đội ngũ CBVC theo tình hình nhiệm vụ mới, thì hiệu quả hoạt động thư viện ngày càng được nâng lên một cách rõ rệt, bộ máy tổ chức đã được tinh gọn, đội ngũ CBVC có điều kiện phát huy hết sức trẻ, sự tự tin, năng động sáng tạo, phát huy được năng lực, sở trường của mình trong hoạt động nghề nghiệp; đề xuất nhiều giải pháp mới nhằm thúc đẩy hoạt động thư viện ngày càng phát triển hơn. 
     Với những kết quả đã đạt được trong suốt thời gian qua, có thể thấy cán bộ và công tác cán bộ luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng, là chìa khóa dẫn đến mọi thành công cho sự phát triển của sự nghiệp thư viện trong hiện tại và tương lai. Hi vọng, trong thời giai tới, với sự quyết tâm cao của toàn thể CBVC trong đơn vị, Thư viện tỉnh sẽ phát huy hơn nữa những thành tựu đã đạt được để có thể vững bước và tiến nhanh trên con đường hội nhập và phát triển, đưa Thư viện tỉnh trở thành một trong những thư viện điện tử hiện đại, xứng tầm trong toàn quốc và hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số ngành thư viện sớm hơn theo kế hoạch dự định./.
Thế Vinh
Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nguồn tin: Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động
2.jpg
3.jpg
4.jpg
IMG-0105.jpg
img-2794.jpg
Liên hệ quảng cáo
Thông kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay2,114
  • Tháng hiện tại12,693
  • Tổng lượt truy cập9,708,597
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây