Thực hiện chỉ đạo của Sở VHTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc từng bước củng cố và ổn định tình hình tổ chức và hoạt động của hệ thống thư viện công cộng trong toàn tỉnh, chuẩn bị cho việc triển khai Đề án Phát triển Văn hóa đọc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 một cách chu đáo và hiệu quả nhất trong tình hình các thiết chế thư viện cấp huyện, cấp xã không ổn định như hiện nay.
Trước thực trạng đó, để có cơ sở tham mưu cho lãnh đạo Sở VHTT một cách chính xác và toàn diện nhất về thực trạng hoạt động của hệ thống thư viện cơ sở trong toàn tỉnh nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự phát triển của các thiết chế thư viện công cộng trong toàn tỉnh, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Trung tâm VHTTTT cấp huyện tiến hành khảo sát thực trạng và đánh giá lại toàn bộ các hoạt động của các thiết chế thư viện cơ sở trên các nội dung sau:
- Tình hình tổ chức nhân sự, kinh phí và hoạt động của thư viện cấp huyện sau khi sáp nhập.
- Thực trạng về bố trí nhân sự phụ trách lĩnh vực CNTT, công tác lưu trữ và quản lý tài liệu trong quá trình sử dụng phần mềm quản lý thư viện điện tử tập trung.
- Tình hình tổ chức, nhân sự, kinh phí hoạt động của thư viện, phòng đọc sách cấp xã.
- Những tồn tại, khó khăn và đề xuất những kiến nghị cần tháo gỡ cho hệ thống thư viện cơ sở.
Được sự phối hợp nhiệt tình của lãnh đạo các Trung tâm VHTTTT cấp huyện, đoàn khảo sát của Thư viện tỉnh do ông Trần Minh Thế - Giám đốc Thư viện tỉnh làm trưởng đoàn, cùng các thành viên là các trưởng phòng chuyên môn trong đơn vị đã tiến hành khảo sát thực tế tại 7 đơn vị (trừ Côn Đảo) từ ngày 16 - 19/6/2020.
Hiện nay, hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh BR-VT gồm có 1 thư viện tỉnh, 08 thư viện cấp huyện, 82 thư viện cấp xã. Qua thực tế khảo sát, tình hình tổ chức và hoạt động của hệ thống thư viện cấp huyện cơ bản là ổn định, tuy nhiên so với điều kiện và tình hình thực tiễn thì vẫn còn một số bất cập nhất định như: Nhân sự thư viện cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng; kinh phí hoạt động chưa đãm bảo; công tác phối kết hợp giữa hoạt động thư viện và các hoạt động chuyên môn khác tại Trung tâm VHTTTT vẫn chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động thư viện cấp xã thì mang tính chất cầm chừng, nhân sự kiêm nhiệm nhiều việc và thay đổi liên tục, do đó rất khó khăn trong việc tổ chức hoạt động thư viện và tiếp nhận nguồn sách luân chuyển từ Thư viện cấp huyện và cấp tỉnh về địa phương.
Chia sẻ về những khó khăn, bất cập đối với thực trạng của hệ thống thư viện cơ sở như hiện nay, Đoàn công tác của Thư viện tỉnh cũng đã có những trao đổi mang tính chất nghể nghiệp chuyên sâu và gợi mở nhiều vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, nhân sự và hoạt động trên thực trạng của từng địa phương và đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện bằng các mô hình hoạt động đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực đối với hoạt động thư viện trong thời gian qua như: mô hình xây dựng và phát triển văn hóa đọc; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên số của Thư viện tỉnh; thực hiện các chương trình liên tịch; tổ chức hoạt động ngoại khóa thông qua các ứng dụng công nghệ...
Sau đợt khảo sát Thư viện tỉnh sẽ tiến hành tổng hợp lại toàn bộ các kết quả đạt được cũng như những hạn chế khó khăn và đánh giá lại một cách toàn diện về thực trạng hoạt động của hệ thống thư viện cơ sở trong toàn tỉnh để tham mưu cho lãnh đạo Sở các giải pháp nhằm kiện toàn về mặt thiết chế và tổ chức hoạt động thư viện trong tỉnh một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tấn Tài - Kim Yến
Thư viện tỉnh BR-VT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn