Theo Điều 1 Pháp lệnh Thư viện Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ của thư viện nói chung và thư viện huyện, xã nói riêng cụ thể như sau:
Thư viện có chức năng, nhiệm vụ giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc; thu thập, tàng trữ, tổ chức việc khai thác và sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội nhằm truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của mọi tầng lớp của nhân dân; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thư viện cấp huyện, cấp xã là thư viện công cộng nhà nước ở cấp huyện, xã tại các địa phương do Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã ở địa phương ra quyết định thành lập. Thư viện huyện, xã đóng vai trò là cơ quan văn hóa giáo dục quan trọng hàng đầu, là trung tâm thông tin-thư viện phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và sản xuất cũng như nhu cầu giải trí của nhân dân địa phương. Thư viện huyện, xã còn có một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng đó là tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, trình độ văn hóa khoa học kỹ thuật cho cán bộ và nhân dân... góp phần nhanh chóng xây dựng thành công mô hình nông thôn mới ở Việt Nam.
Trong tình hình văn hóa đọc ở nước ta hiện nay, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là vô cùng cần thiết mà thư viện cấp huyện, cấp xã là các đơn vị phục vụ sách báo trực tiếp cho người dân tại địa phương cấp huyện, xã nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.Trên thực tế, nơi nào có phong trào đọc sách ở cấp xã, phường, thôn bản mạnh thì nơi đó có nền văn hóa đọc cao, nhiều xã, phường, thôn bản có nền văn hóa đọc phát triển trên địa bàn huyện mạnh thì văn hóa đọc huyện đó phát triển, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh xây dựng được phong trào đọc sách phát triển thì tỉnh đó có nền văn hóa đọc phát triển và nhiều tỉnh có nền văn hóa đọc phát triển thì nền văn hóa đọc của Quốc gia sẽ phát triển thịnh vượng, mà văn hóa đọc lại đóng vai trò là nền tảng văn hóa của một quốc gia, một dân tộc. Điều đó chứng tỏ rằng việc đầu tư cho các thư viện cấp huyện, xã là rất cần thiết và cực kỳ cấp bách để thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt số 329/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2017.
Thư viện cấp huyện, cấp xã cũng có một vị trí quan trọng đối với sự phát triển văn hóa, kinh tế, chính trị-xã hội an ninh, quốc phòng tại địa phương. Đây là loại hình thư viện được phân bố theo địa bàn hành chính, hoạt động chủ yếu trên địa bàn nông thôn, phục vụ đối tượng bạn đọc có quan hệ trực tiếp đến sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nên sách báo của thư viện là một trong những nhân tố quan trọng để đưa khoa học kỹ thuật vào cuộc sống của người dân nông thôn, đồng thời cũng góp phần tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành kỷ cương phép nước và ý thức tăng cường bảo vệ an ninh quốc phòng của địa phương.
Đối với các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại địa phương Thư viện cấp huyện, cấp xã là cầu nối giữa các Chương trình Mục tiêu của Đảng và Nhà nước với nhân dân địa phương. Các mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo, mục tiêu đạt chuẩn quốc gia về văn hóa, giáo dục, xóa mù, y tế, sức khỏe, xây dựng nông thôn mới,...nếu thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì thư viện cấp huyện, cấp xã đều phải cập nhật và phổ biến thông tin đến tất cả người dân trong cộng đồng. Như vậy thư viện cấp huyện, cấp xã giữ vai trò góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại các địa phương.
II. Thực trạng công tác quản lý và tổ chức hoạt động đối với thư viện cấp huyện, xã tại tỉnh Ninh Thuận.
1. Công tác quản lý và tổ chức hoạt động đối với thư viện cấp huyện.
1.1. Công tác quản lý nhà nước.
Hiện nay có 7 huyện, thành phố trên toàn tỉnh có quyết định thành lập Thư viện Huyện, thành phố (gọi chung là thư viện huyện). Xét về địa giới hành chính thì ở Ninh Thuận không có đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố nào không có Thư viện Huyện. Các Thư viện Huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hầu hết thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa, Thể thao các huyện, thành phố. 5/7 Thư viện Huyện không có trụ sở riêng mà được bố trí 01 phòng tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao các huyện. Cán bộ thư viện được bố trí ở các Thư viện Huyện, thành phố không đồng nhất, đa số chỉ có 01 cán bộ/Thư viện Huyện (trừ thư viện thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ). Về trình độ nghiệp vụ của cán bộ Thư viện cấp huyện còn rất hạn chế (có 03/11 cán bộ Thư viện huyện có trình độ chuyên môn thư viện, còn phần lớn là được đào tạo các chuyên ngành khác). Cán bộ vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng có lúc, có nơi còn bố trí kiêm nhiệm nhiều việc khác nên thực chất hầu hết các Thư viện Huyện chưa thực hiện được hết các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Thông tư số 13/2016/TT-BVHTTDL ngày 09/12/2016 quy định quy chế mẫu của thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện, xã. Nguồn kinh phí hàng năm cấp cho thư viện chủ yếu là kinh phí hoạt động thường xuyên (chi cho con người) theo chỉ tiêu biên chế được giao cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao các huyện , còn kinh phí cấp cho các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ hầu như không có hoặc có cũng không đáng kể.
1.2. Công tác tổ chức hoạt động.
Mặc dù hệ thống thư viện công cộng cấp huyện ở Ninh Thuận hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực, vật lực để phát triển đáp ứng nhiệm vụ của một thư viện cấp huyện theo đúng quy định, nhưng 05 năm qua hệ thống thư viện huyện vẫn phát triển về số lượng, có 01 thư viện huyện mới có quyết định thành lập (Thư viện huyện Thuận Nam). Hoạt động của hệ thống thư viện huyện, thành phố của tỉnh trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, y học, văn hóa, kỹ năng ứng xử,...phục vụ các nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí cho một bộ phận cán bộ, nhân dân địa phương. Các hoạt động phục vụ bạn đọc ở các Thư viện Huyện đều được duy trì hàng năm, đảm bảo lịch phục vụ bạn đọc, lượt bạn đọc và lượt tài liệu năm sau đều cao hơn năm trước. Điều này khẳng định văn hóa đọc ở các địa phương trong tỉnh vẫn được duy trì và có sự phát triển. Ngoài việc tổ chức phục vụ bạn đọc hàng ngày thì những năm gần đây các Thư viện Huyện đã triển khai được các mô hình phục vụ mới như: tổ chức phục vụ sách báo lưu động, tổ chức hoạt động trưng bày nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị của địa phương đất nước, tăng cường hoạt động tuyên truyền biển, đảo; tích cực triển khai công tác quần chúng của thư viện và được cơ quan, ban ngành đoàn thể và nhân dân địa phương nhiệt tình ủng hộ như việc giới thiệu sách trên Đài truyền thanh Huyện, chuyên mục kể chuyện tấm gương đạo đức Bác Hồ, gương các anh hùng liệt sỹ, các câu chuyện về biển, đảo qua sóng phát thanh huyện,... đặc biệt là các cuộc thi kể chuyện theo sách, vẽ tranh thiếu nhi hàng năm. Hội thi kể chuyện theo sách thiếu nhi cấp huyện, thành phố hè đã trở thành một hoạt động thường niên có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành đoàn thể và nhân dân địa phương trong đó đáng kể nhất là Phòng giáo dục & Đào tạo, Huyện đoàn, cha mẹ và các em thiếu nhi. Đây cũng là một hoạt động được đưa vào kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo hè các cấp. Hội thi kể chuyện theo sách hàng năm nhằm duy trì và phát triển phong trào đọc sách, báo sâu rộng trong thiếu niên, học sinh, hướng dẫn phương pháp, nghệ thuật đọc sách, báo, củng cố, mở rộng kiến thức và giải trí an toàn, lành mạnh, rèn luyện kỹ năng, năng khiếu, kể chuyện cho thiếu nhi ở địa phương. Thông qua Hội thi nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức lối sống, pháp luật và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, hình thành cho thiếu nhi ý thức trách nhiệm của bản thân trở thành con ngoan, trò giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, phát huy tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người. Hội thi là một trong những hoạt động thiết thực, bổ ích trong dịp hè, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ban ngành, đoàn thể của địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng. Đồng thời thu hút sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội với các hoạt động dành cho thiếu nhi. Ngoài Hội thi kể chuyện theo sách dành cho đối tượng Bạn đọc thiếu nhi từ cấp tỉnh đến cơ sở hàng năm thì một vài thư viện huyện đã tổ chức các cuộc thi khác như: thi vẽ tranh (Thư viện huyện Ninh Hải tổ chức vào mỗi dịp Xuân về), thi kiến thức của em qua máy tính (thư viện Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Về công tác xây dựng vốn tài liệu ở các thư viện huyện cũng có sự củng cố và phát triển. Tính đến nay vốn tài liệu ở các thư viện huyện là 47.093 tên/ 77.755 bản sách in và một số loại hình tài liệu khác như báo, tạp chí, đĩa CD -Rom. Trung bình mỗi thư viện huyện mới chỉ có hơn 11.000 bản sách, một số liệu quá khiêm tốn phải không? Tổng số sách bổ sung từ năm 2011 - 2016 của các thư viện huyện là 5.539 tên/28.191 bản, trong đó sách từ Chương trình mục tiêu Quốc gia là 1945 tên/22.626 bản chiếm 80,26 % tổng lượng sách bổ sung của các Thư viện Huyện. Trong số 3594 tên/5565 bản mà các Thư viện Huyện tự bổ sung thì phần lớn lại là sách từ nguồn tặng của Thư viện Tỉnh và một số cơ quan, ban ngành, cá nhân ở địa phương. Chỉ có 02 Thư viện huyện, Thành phố có nguồn kinh phí bổ sung sách được trích từ nguồn kinh phí của Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện, thành phố song cũng không đồng đều. (Thư viện huyện Ninh Hải có 5.000.000đ tiền bổ sung sách năm 2012; Thư viện Tp. Phan Rang - Tháp - Chàm có 49.612.000đ tiền bổ sung sách từ năm 2013 - 2016). Điều này nói lên hầu hết các thư viện cấp huyện ở Ninh Thuận đều không được bố trí nguồn kinh phí cho công tác bổ sung vốn tài liệu mà dựa chủ yếu vào nguồn bổ sung từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sách cho thư viện huyện. Năm 2016 Chương trình Mục tiêu Quốc gia về bổ sung sách cho các thư viện huyện không còn đã thật sự trở thành một bài toán khó giải đối với công tác thư viện huyện trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của thư viện cấp huyện ở Ninh Thuận trước đã khó nay lại càng khó hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giá kệ, nguồn nhân lực không được bổ sung đã đành, ngay cả sách nguồn tư liệu mà không thể thiếu ở bất cứ một thư viện nào cũng không được bổ sung thì lấy gì mà thu hút bạn đọc, làm sao xây dựng nền văn hóa đọc tại địa phương đây? Trong khi hiện nay sự bùng nổ thông tin lại rất mạnh mẽ, các phương tiện truyền thông khác đang chiếm ưu thế rất nhiều nên lấn át văn hóa đọc, thì người mê đọc sách đến thư viện toàn thông tin cũ kỹ, lạc hậu liệu có giữ chân được họ không? Tất cả những câu hỏi nêu trên đều cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp lãnh đạo và các cơ quan ban ngành đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở. Trung ương thì cho cơ chế, chính sách, các nguồn tài trợ, các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, địa phương bố trí nhân lực, nguồn kinh phí đầu tư trụ sở, trang thiết bị, bổ sung vốn tài liệu,...Có như vậy thì hệ thống thư viện cấp huyện ở địa phương mới làm được các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định.
2. Công tác quản lý và tổ chức hoạt động đối với thư viện cấp xã.
Nếu xét về căn cứ pháp lý thì đến năm 2015 tỉnh Ninh Thuận có 06 thư viện xã có quyết định thành lập trên cơ sở được hưởng lợi từ Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do quỹ BMGF tài trợ. Có06 cán bộ kiêm nhiệm: 03 đại học, 03 cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, không có cán bộ được đào tạo chuyên ngành thư viện. Đây là số cán bộ được hợp đồng lao động trả công để triển khai Dự án BMGF.
Tổng vốn sách in hiện có là 113 tên/ 1454 bản chủ yếu nguồn tặng từ nhà sách Thăng Long do thư viện tỉnh vận động tài trợ và một số sách do thư viện tỉnh, thư viện huyện tặng.
Thư viện xã chủ yếu phục vụ công tác triển khai Dự án, còn hoạt động phục vụ sách báo không đáng kể, có chăng mới chỉ thể hiện rõ nét nhất trong các buổi Thư viện Tỉnh tổ chức phục vụ lưu động tại một số thư viện xã.
Như vậy xét cho cùng thì thực chất ở Ninh Thuận chưa có thư viện cấp xã đúng theo quy định của Thông tư số 56/2003/TT-BVHTT ngày 16/9/2003 hướng dẫn chi tiết về điều kiện thành lập thư viện và thủ tục đăng ký hoạt động thư viện.
III. Một số giải pháp trong công tác quản lý nhà nước và tổ chức hoạt động đối với thư viện cấp huyện, xã tại tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.
1. Về công tác quản lý nhà nước
Nâng cao nhận thức, năng lực chỉ đạo, tổ chức, quản lý thư viện, rà soát lại đội ngũ Cán bộ thư viện, bố trí Cán bộ quản lý thư viện các cấp phải có năng lực, trình độ chuyên môn (vì đây là đơn vị sự nghiệp đặc thù chuyên môn) để tổ chức, triển khai các hoạt động thư viện thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, cần bố trí đội ngũ cán bộ chuyên môn ổn định, có trình độ nghiệp vụ về thư viện và các trình độ chuyên môn khác.
Nâng chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện cấp huyện. Duy trì và nâng chất lượng hoạt động của các thư viện xã được hưởng lợi từ Dự án BMGF đã có quyết định thành lập năm 2015, phát triển các phòng đọc sách xã làm cơ sở để xây dựng thư viện cấp xã ở địa phương. Quan tâm xây dựng thư viện, phòng đọc sách xã ở các xã nông thôn mới và các xã vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Tách mô hình thư viện cấp huyện nằm trong các Trung tâm VH,TT các huyện, thành phố để trở thành đơn vị sự nghiệp công lập có thiết chế văn hóa độc lập trực thuộc các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, có cán bộ quản lý, viên chức chuyên môn và một số vị trí việc làm khác, có trụ sở riêng và có nguồn kinh phí hoạt động đảm bảo thư viện huyện thực hiện được đúng chức năng nhiệm vụ của mình theo quy chế mẫu quy định tại Thông tư số 13/2016/TT-BVHTTDL ngày 09/12/2016.
Rà soát lại các thư viện huyện, xã đã có quyết định thành lập theo các quy định của Nhà nước về công tác thư viện để bổ sung, hoàn thiện về chức năng nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và quan hệ công tác của hệ thống thư viện cấp huyện, xã ở địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở phát triển, đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh. Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và cơ quan trực tiếp quản lý thư viện phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thư viện cấp huyện, cấp xã làm cho lãnh đạo và người dân địa phương hiểu rõ được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của thư viện cấp huyện, cấp xã trong việc phát triển kinh tế xã hội cũng như phục vụ các nhu cầu lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu, học tập, giải trí,.. cho cán bộ lãnh đạo và nhân dân địa phương từ đó để có định hướng đầu tư, phát triển và thu hút người dân địa phương đến sử dụng thư viện và chung tay xây dựng và phát triển thư viện cấp huyện, cấp xã ở địa phương.
Xây dựng Đề án tổ chức hoạt động thư viện cấp huyện, cấp xã nhằm đảm bảo sự thống nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như bố trí nguồn lực cho hệ thống thư viện cấp huyện, cấp xã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Nhà nước cụ thể theo Pháp lệnh thư viện, Nghị định 72, Thông tư số 56/2003/TT-BVHTT ngày 16/9/2003, Thông tư số 13/2016/TT-BVHTTDL ngày 09/12/2016 quy định quy chế mẫu của thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện, xã và một số văn bản khác.
Tăng đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động cho hệ thống thư viện cấp huyện, cấp xã để tổ chức các hoạt động phục vụ việc học tập suốt đời của người dân địa phương đồng thời góp phần triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc ở tỉnh Ninh Thuận đạt hiệu quả nhằm phát triẻn kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và nâng cao trình độ dân trí cho người dân địa phương.
Nâng chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện cấp huyện, cấp xã. Đây là việc làm phải được tiến hành thường xuyên, thực hiện đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ thư viện cấp huyện, cấp xã có trình độ, năng lực về chuyên môn nghiệp vụ và các trình độ khác như ngoại ngữ, tin học để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại theo kịp được với trình độ bạn đọc trong giai đoạn mới, thực hiện nhiệm vụ đổi mới hoạt động thư viện theo xu hướng hiện đại. Ngoài ra cán bộ thư viện cũng phải là những người có tâm huyết, có lý tưởng, có đạo đức luôn tận tâm phục vụ tối đa các nhu cầu tự học, nghiên cứu, giải trí của nhân dân địa phương.
2. Về tổ chức các hoạt động.
2.1. Thư viện huyện
Tiếp tục duy trì buổi phục vụ bạn đọc, tăng cường các mô hình tổ chức phục vụ mới (thư viện lưu động, thư viện truyền thanh, phục vụ chuyên đề, sự kiện,...). Đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền về thư viện, về vốn tài liệu, về các dịch vụ phục vụ bạn đọc,...thu hút sự quan tâm đầu tư phát triển của các cấp lãnh đạo và sự chú ý của đông đảo người dân trong cộng đồng đến sử dụng các dịch vụ hiện có của thư viện.
Thực hiện xã hội hóa hoạt động thư viện, làm cho ngày càng nhiều các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong và ngoài tỉnh tham gia vào các hoạt động nghiệp vụ, phục vụ bạn đọc của thư viện, thực hiện mục tiêu tăng các chỉ số, các hình thức hoạt động phục vụ bạn đọc trong và ngoài thư viện trong hệ thống thư viện công cộng nói chung và thư viện huyện nói riêng. Đây là biện pháp tốt nhất để thư viện cấp huyện trên địa bàn tỉnh giảm bớt gánh nặng về kinh phí hoạt động cũng như biên chế cán bộ.
Thường xuyên tập huấn các kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo các chuẩn nghiệp vụ mới cũng như các chương trình ứng dụng mới được triển khai để cán bộ thư viện cấp huyện kịp thời cập nhật, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nâng năng lực khai thác các nguồn lực hiện có tại các thư viện huyện đồng thời đổi mới, tăng các dịch vụ phục vụ tại các thư viện huyện ở địa phương. Chú trọng công tác hướng dẫn các hình thức phục vụ đặc biệt là hình thức phục vụ chuyên đề, sự kiện, tổ chức truyền thông, vận động, hội thảo, hội thi,...nâng tính chủ động trong công tác phục vụ bạn đọc ở các thư viện huyện.
Tăng cường công tác luân chuyển sách, báo từ thư viện tỉnh đến thư viện huyện và từ thư viện huyện về các thư viện, phòng đọc, tủ sách cơ sở trên địa bàn nhằm khai thác triệt để vốn tài liệu hiện có của hệ thống thư viện công cộng, đồng thời xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư.
Triển khai tốt các chương trình phối hợp trong việc tổ chức các hoạt động thư viện tại địa phương nhất là chương trình phối hợp với ngành Bưu điện và ngành giáo dục và đào tạo ở địa phương nhằm hướng tới phục vụ nhân dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội còn gặp nhiều khó khăn và đối tượng giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng hình thức phục vụ đối tượng bạn đọc thiếu nhi. Tổ chức các hoạt động đọc và làm theo sách, sinh hoạt câu lạc bộ, các cuộc thi, đố vui trí tuệ qua sách, báo, giới thiệu tác giả, tác phẩm dành cho thiếu nhi,... xây dựng lực lượng bạn đọc tiểm năng tại các thư viện huyện.
Quan tâm thông tin phục vụ lãnh đạo bằng cách cung cấp thư mục giới thiệu tài liệu, chọn lọc thông tin chuyên đề về các lĩnh vực văn hóa, chính trị-xã hôi, khoa học, kỹ thuật,... phục vụ cho công tác xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.
Xây dựngĐề án chương trình tin học hóa thư viện cấp huyện trình lãnh đạo các cấp phê duyệt và triển khai thực hiện. Trên cơ sở máy móc, trang thiết bị mà Dự án BMGF đã trang bị cho các thư viện huyện, thành phố ở địa phương, tiếp tục xây dựng Đề án về trang bị phần mềm tổ chức quản lý hoạt động thư viện và một số trang thiết bị điện tử cần thết triển khai thực hiện ở 100% thư viện huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thống nhất về tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ cũng như các dịch vụ phục vụ bạn đọc được triển khai từ tỉnh đến cơ sở.
2.2. Thư viện xã.
Tăng cường triển khai các hình thức phục vụ sách báo tại các thư viện xã đã có quyết định thành lập. Xây dựng mô hình thư viện xã điểm tập trung hướng dẫn tổ chức hoạt động, sơ tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.
Tích cực tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp xã quan tâm chỉ đạo, xây dựng, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng dân cư. Chú ý công tác luân chuyển sách báo đến các xã đã có thư viện, các xã thuộc vùng nông thôn mới và các điểm Bưu điện - Văn hóa xã trong tỉnh.
Chú trọng lồng ghép công tác phục vụ sách, báo với các hoạt động khác có liên quan trên địa bàn xã như hoạt động xóa đói, giảm nghèo, xóa mù, xây dựng nông thôn mới,...tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương và sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương để xây dựng và phát triển thư viện xã.
IV. Một số kiến nghị:
1. Đối với Bộ, ngành Trung ương
Tiếp tục tham mưu về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho thư viện cấp huyện, cấp xã có đủ cơ sở pháp lý cũng như kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, vốn tài liệu và các trang thiết bị hiện đại đủ sức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo các quy định pháp luật về công tác thư viện.
Có chính sách thỏa đáng về tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác để động viên cán bộ thư viện yên tâm công tác, gắn bó với công việc. Đặc biệt đối với cán bộ làm công tác Thư viện tại các xã, phòng đọc làng văn hóa, vùng xây dựng nông thôn mới, các đơn vị lực lượng vũ trang… cần có một chế độ thù lao xứng đáng để có thể duy trì tổ chức phục vụ được sách, báo tại cơ sở.
Tách mô hình thư viện huyện nằm trongTrung tâmVăn hoá, Thể thao các huyện, thành phố ra thành một đơn vị sự nghiệp công lập độc lập trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, có ít nhất từ ba biên chế trở lên để hoạt động hiệu quả và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định pháp luật về thư viện.
Tiếp tục đề nghị hỗ trợ kinh phí bổ sung từ chương trình Mục tiêu Quốc gia về lĩnh vực thư viện và hỗ trợ phương tiện trang thiết bị phục vụ lưu động, đặc biệt đối với những tỉnh nghèo, còn khó khăn.
2. Đối với chính quyền các cấp ở địa phương.
Quan tâm chỉ đạo về công tác thư viện tại địa phương, nhất là đối với thư viện cấp huyện, cấp xã; có các văn bản chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bổ sung sách báo đối với các thư viện huyện, thư viện xã xã trên địa bàn tỉnh.
Bố trí Cán bộ làm công tác Thư viện huyện phải là cán bộ chuyên trách, không kiêm nhiệm và được đào tạo cơ bản về mặt chuyên môn, nghiệp vụ mới đảm đương được chức năng, nhiệm vụ của một thư viện huyện theo quy định
Cấp kinh phí bổ sung sách cho kho sách lưu động và phương tiện chuyên dụng, nguồn nhân lực cho công tác phục vụ lưu động của thư viện tỉnh.
Quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động thư viện tại địa phương nhằm huy động toàn xã hội tham gia vào công tác thư viện, xây dựng, phát triển, phát huy các kho tài nguyên thư viện của địa phương góp phần phát triển văn hóa đọc trên địa bàn toàn tỉnh.
Bài in trong “Kỷ yếu Hội thảo thư viện cấp huyện, cấp xã ở Việt Nam: thực trạng hoạt động và mô hình quản lý” tr.39- tr.47.