Bí thư Tỉnh ủy – tiểu thuyết của Vân Thảo

Thứ năm - 18/07/2019 05:06
Tiểu thuyết Bí thư Tỉnh ủy dựa trên nguyên mẫu cuộc đời ông Kim Ngọc, nguyên bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc (sau là Vĩnh Phú), người gắn liền với danh xưng “cha đẻ khoán hộ”, khơi nguồn vượt rào cho đổi mới kinh tế sau này. Từ những sự kiện phong phú và các tư liệu khác về cuộc đời ông, nhà văn Vân Thảo đã xây dựng nên cuốn tiểu thuyết về một nhân vật Bí thư Tỉnh ủy, khắc họa hình ảnh một người cộng sản chân chính, luôn suy nghĩ và hành động trên cơ sở lý tưởng của Đảng và thực tiễn đời sống nhân dân chứ không phải trên giấy tờ hành chính. Ngoài câu chuyện khoán hộ, những bài học về nhân cách đạo đức và dũng khí của một người lãnh đạo là những bài học đáng suy ngẫm.

 

bttu


          Tiểu thuyết cũng phần nào tái hiện lại quãng thời gian của sự ra đời, phát triển cũng như kết cục của khoán hộ, tiền thân của khoán 10 sau này. Qua đó giúp bạn học hiểu thêm về một giai đoạn phát triển kinh tế nông nghiệp Bắc Bộ thời kỳ chiến tranh song phả đầy hơi thở nóng hổi như vừa mới ngày hôm qua.

Cuốn tiểu thuyết này không phải là một sự hư cấu thuần túy văn học. Ở đây, tác giả chỉ sử dụng thủ pháp văn học để nói về một sự kiện lịch sử có thật và về một người anh hùng có thật.

          Sự kiện đó là khoán trong nông nghiệp Việt Nam – một vấn đề cũng là một sự thách đố có ý nghĩa sinh tử đối với số phận nền kinh tế Việt Nam.

          Người anh hùng đó là Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – cha đẻ của mô hình khoán. Cũng như mọi sự sinh nở, ông đã trải qua những thai nghén, mang nặng đẻ đau. Rồi cũng như không ít bậc cha mẹ, ông đã không sống đủ lâu để nhìn thấy “đứa con” của mình sống sót, trưởng thành, phát triển…

          Mọi cuốn tiểu thuyết, dù viết về vấn đề gì, đều có cốt lõi là những thắt nút, mâu thuẫn, và cỏi nút, giải quyết mâu thuẫn. Có những loại mâu thuẫn là sự xung đột giữa cái thiện và cái ác. Nhưng mâu thuẫn mà cuốn tiểu thuyết này đề cập tới, cũng là mâu thuẫn đã diễn ra trong thực tế lịch sử kinh tế Việt Nam, lại là mâu thuẫn giữa cái thiện với cái thiện.

          Trong khoảng không gian thời gian của quá khứ chỉ diễn ra vài ba năm thôi đã nổi lên một nhân cách toàn vẹn của một người Đảng viên cộng sản, một cán bộ lãnh đạo một lòng một dạ với dân. Những phẩm chất dường như bước ra từ định nghĩa lý tưởng: sâu sát cùng nhân dân, nhất là những người nông dân, bạn quần nâu áo vải với ông, biết họ nghĩ gì, muốn gì. Vào thời điểm những năm 60 của thế kỷ trước, đất nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất. Cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt ở cả 2 miền. Ở  miền Bắc, ngoài việc dồn sức người sức của cho mặt trận, trong chính sách kinh tế chúng ta ban hành nhiều chủ trương chính sách kinh tế chưa hợp lý thiếu thực tiễn. Mô hình hợp tác xã bị điều hành kém hiệu quả khiến xã viên chỉ thành người làm thuê. Cả một bầu không khí không thiết tha gì với ruộng đồng, dẫn tới năng suất ngày một giảm. Thực tế ngày công lao động không còn đủ nấu cháo. “Làm ăn như thế, đói là phải” – thái độ của Kim Ngọc không chỉ dừng lại ở đốc thúc tinh thần không mà trăn trở là làm thế nào để thoát ra khỏi cái kết quả vô lý của những lý thuyết có vẻ rất có lý.

          Sau khi ngày đêm bàn bạc cùng Tỉnh ủy, gặp gỡ các Hợp tác xã, lắng nghe tâm sự của bà con nông dân, ông nhận ra một điều, hộ nông dân là chủ thể của đơn vị sản xuất nông nghiệp: “Phải cho nông dân làm chủ mảnh ruộng của mình, được chủ động kế hoạch sản xuất”. Từ suy nghĩ này ông quyết định phải thay đổi cơ chế quản lý lao động nông nghiệp của Hợp tác xã trong đó có phương thức khoán hộ. Đặt vào những năm tháng ấy, khi mà tư tưởng bảo thủ, giáo điều, duy ý chí đang mạnh, khi mà một số chủ trương, chính sách, nghị quyết lệch pha với thực tế cuộc sống, tạo thành những lỗ hổng tiêu cực nhưng vẫn áp dụng cho cơ sở và cơ sở phải chấp hành thì việc khoán hộ trong nông nghiệp chẳng khác gì đại bác công phá. Ông Kim Ngọc trở thành người đứng vào vị trí chịu áp lực tổn hại đến cả sinh mệnh chính trị. Ông nói: “Nếu mất chức Bí thư Tỉnh ủy mà dân được no đủ thì mình cũng mãn nguyện”.

          Câu chuyện khoán hộ đến bây giờ đã thành lịch sử, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo, nhưng bài học về thời cuộc vẫn còn nguyên giá trị. Trên cơ sở những sự kiện và những hồi ức về nhân vật chính, cuốn tiểu thuyết tôn trọng sự thật tối đa nhằm cung cấp cho bạn đọc có cái nhìn khách quan về một giai thoại lịch sử, đồng thời tôn vinh một nhân cách vì sự nghiệp của dân, của nước, không nghĩ đến danh vọng, dám làm dám chịu trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi và dũng cảm đương đầu với mọi áp lực khách quan để thực hiện mục đích cho dân no ấm.

          Tiểu thuyết “Bí thư Tỉnh ủy” của tác giả Vân Thảo tái bản lần thứ 2 do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2017 hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Bình Phước. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Hằng Nga – Phòng NV&XDPT
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hình ảnh hoạt động
2.jpg
3.jpg
4.jpg
IMG-0105.jpg
img-2794.jpg
Liên hệ quảng cáo
Thông kê truy cập
  • Đang truy cập93
  • Hôm nay9,041
  • Tháng hiện tại98,646
  • Tổng lượt truy cập8,497,209
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây