Liên Hiệp Thư Viện Miền Đông Nam Bộ

http://lienhiepthuvienmiendong.vn


Công bố tình trạng hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định công bố thiên tai (nắng hạn) vụ Đông Xuân 2015-2016 xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đây là cơ sở để Nhà nước thực hiện hỗ trợ đối với diện tích cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hiện nay tình hình khô hạn đang diễn ra gay gắt tại một số nơi thuộc các huyện Hàm Tân, Đức Linh, Tuy Phong và Bắc Bình. Do lượng nước bị thiếu hụt nghiêm trọng trong mùa khô năm nay đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, trong vụ Đông Xuân 2015-2016 toàn tỉnh chỉ đủ nước để bố trí sản xuất 18.700 ha lúa, cắt giảm hơn 15.000 ha so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước diễn ra gay gắt, đã có khoảng 50 ha lúa bị chết và hơn 450 ha lúa, hoa màu ở huyện Đức Linh, Hàm Tân đang thiếu nước trầm trọng; một số công trình cấp nước ở huyện Hàm Tân và Tánh Linh phải ngưng hoạt động vì thiếu nguồn nước cung cấp; thống kê trên toàn tỉnh hiện nay có khoảng 90.000 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt.

Do lượng nước tích trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi trên toàn tỉnh đến thời điểm này chỉ còn 87 triệu m3, chỉ đạt 40% dung tích thiết kế. Vì thế, tỉnh Bình Thuận đã rà soát lại kế hoạch sản xuất và chuyển đổi 1.300 ha đất lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày khác như ngô, rau, đậu các loại. Đồng thời, huy động nhân dân tham gia làm thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng và vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp tưới nước tiết kiệm.

Tuy nhiên, theo Chi Cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận, nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, dự kiến có khoảng 200 ha trồng sắn tại huyện Hàm Tân và 3.000 ha lúa trong kế hoạch ở các xã vùng cao của huyện Tánh Linh và nhiều diện tích cây lâu năm của tỉnh như cao su, thanh long, tiêu, điều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hơn nữa, lượng dòng chảy mặt trên các lưu vực sông, suối… tại các các công trình thủy lợi vùng miền núi suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015. Mực nước ngầm hạ thấp, gây nhiều khó khăn trong khai thác sử dụng nguồn nước thô từ giếng khoan phục vụ hoạt động của các công trình cấp nước sạch trong tỉnh.

Theo dự báo, khô hạn sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt hơn, mà Bình Thuận là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, các ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình dẫn nước từ hồ Sông Dinh 3 về đập Cô Kiều thuộc xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân; tuyến kênh cấp nước Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong); công trình tiếp nước Biển Lạc-Hàm Tân; công trình Hồ Sông Lũy (huyện Bắc Bình).

Để phục vụ cho công tác chống hạn, tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ địa phương hơn 106 tỷ đồng khắc phục hạn hán gồm: Hạt giống khôi phục sản xuất, kinh phí cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nạo vét kênh mương, tu sửa công trình thủy lợi trong vụ Đông Xuân và các công trình chống hạn mùa khô 2016./.

// http://www.vietnamplus.vn.- 2016 (ngày 10 tháng 3)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây