Để đạt mục tiêu trên, ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận yêu cầu: Ngành du lịch tỉnh Bình Thuận cần khắc phục những hạn chế, yếu kém và tập trung thực hiện những công việc cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch; đảm bảo tốt môi trường du lịch; chấn chỉnh kịp thời các tồn tại về môi trường ở các khu du lịch cộng đồng, giữ vững hình ảnh điểm đến du lịch Bình Thuận an toàn, thân thiện, chất lượng. Ngành chức năng cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư du lịch; đồng thời kiến nghị thu hồi đối với những dự án không triển khai, không có thiện chí đầu tư; tích cực đầu tư phát triển các điểm du lịch; đầu tư hệ thống nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn phục vụ khách ở các điểm tham quan, du lịch và các khu vui chơi công cộng; các trạm cứu hộ ở các bãi tắm ven biển; các trạm thông tin hỗ trợ du khách…
Bên cạnh đó, ngành du lịch Bình Thuận đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng nhiều tuyến kết nối làm phong phú loại hình du lịch; tiếp tục thực hiện Chương trình kích cầu nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”, thu hút mạnh khách du lịch nội địa… Ngành chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực đội ngũ làm công tác du lịch ở cơ sở, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng.
Năm 2015, toàn tỉnh Bình Thuận đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, tăng 11,7% so với năm 2014, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 455.000 lượt khách, tăng 13,4% so với năm 2014. Khách quốc tế chủ yếu đến từ Nga, Trung Quốc, Đức, Thái Lan… Doanh thu từ du lịch đạt 7.600 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014. Toàn tỉnh hiện có 391 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.400 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 53.470 tỷ đồng; trong đó 164 dự án đã đi vào hoạt động. Toàn tỉnh có 290 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh du lịch với tổng số 11.127 phòng, có 45 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành; các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch như: Vận chuyển, ăn uống, mua sắm, thể thao trên biển… có chuyển biến về chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu của du khách.
Theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, bên cạnh những mặt đạt được, hoạt động du lịch của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Tình hình bất ổn tại một số nước, nhất là các thị trường du lịch tiềm năng của tỉnh đã tác động đến việc thu hút du khách. Mặc dù lượng khách châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan tăng lên đáng kể, nhưng do thời gian lưu trú ngắn hơn nhiều so với khách Nga và Bắc Âu, dẫn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch không cao. Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn chưa có thêm sản phẩm mới để thu hút du khách và kéo dài thời gian lưu trú của khách; việc kêu gọi xã hội hóa để đầu tư xây dựng các công trình công cộng như trạm cứu hộ, nhà vệ sinh công cộng vẫn còn khó khăn. Việc buôn bán hàng rong tràn lan, che lều, trại... dọc bờ biển và chèo kéo du khách cũng đang là những tồn tại của ngành du lịch.