Năm 2016, mặc dù, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn nước với mục tiêu không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong vụ đông xuân 2015 - 2016. Theo đó, các công trình thủy lợi phải tổ chức trực và bố trí cán bộ, công nhân thực hiện cấp nước theo yêu cầu sản xuất của người dân. Tuy nhiên, đến nay (tính đến ngày 15 tháng 2 năm 2016), lượng nước tại các hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 50% dung tích thiết kế. Do đó, việc cấp nước không thể đạt được mục tiêu, kế hoạch.
Cụ thể, đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn, 40.000 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt hằng ngày; có khoảng 50 hecta lúa bị chết do thiếu nước và một số diện tích cây công nghiệp bị chết (cây tiêu). Ngoài ra, có khoảng 461 ha lúa, hoa màu ở huyện Đức Linh bị thiếu nước do lưu lượng nước xả từ nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi thấp.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, trong thời gian tới, nếu tình hình nắng hạng tiếp tục diễn ra, dự kiến có trên 3.000 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Trước tình hình khó khăn về nguồn nước như hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục cân đối nguồn nước, đồng thời hướng dẫn bà con tiếp tục sử dụng nước tiết kiệm; đối với nguồn nước sinh hoạt, các ngành, địa phương cần tính toán, xác định những vùng thiếu nước để giải quyết ngay từ bây giờ nhằm giúp dân không bị thiếu nước, trong đó, ưu tiên nước sinh hoạt, nước cho gia súc và sản xuất cây lâu năm… Đặc biệt, với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, các ngành, chức năng cần chủ động mọi giải pháp ứng phó đảm bảo không để hạn hán xảy ra trên diện rộng.
Linh Nga/ Tài nguyên và Môi trường.- 2016.- Số 17 (ngày 01 tháng 3).- Tr. 16